Vực dậy nghề làm muối ở huyện Giao Thủy

Thu hoạch muối trên cánh đồng muối. Ảnh: Công Luật - TTXVN
Thu hoạch muối trên cánh đồng muối. Ảnh: Công Luật - TTXVN

Huyện ven biển Giao Thủy, tỉnh Nam Định có 427 ha diện tích xuất muối, nhưng do hiệu quả kinh tế không cao nên hiện chỉ còn khoảng 60 ha đang sản xuất còn lại bị bỏ hoang. Để tháo gỡ khó khăn cho người làm muối, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp như: quy hoạch lại vùng làm muối để áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm để giúp diêm dân yên tâm gắn bó với nghề...

Vực dậy nghề làm muối ở huyện Giao Thủy ảnh 1Thu hoạch muối trên cánh đồng muối. Ảnh: Công Luật - TTXVN

Nhiều diện tích sản xuất muối bỏ hoang

Cánh đồng muối xã Bạch Long rộng 237 ha, những năm trước đây vùng chuyên canh muối này luôn tấp nập với khoảng 4.000 lao động thường trực tại các ruộng muối. Tuy nhiên, từ năm 2015 trở lại đây, do ảnh hưởng của thị trường, giá muối giảm cùng với thời tiết thất thường khiến thu nhập của các diêm dân giảm, nhiều người chuyển sang nghề khác, ruộng muối vì thế cũng bị bỏ hoang ngày càng nhiều.

Ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Long cho biết, diện tích muối bị bỏ hoang trên địa bàn xã ngày càng tăng theo từng năm. Hiện nay, xã chỉ còn duy trì được 55 ha muối đang sản xuất với khoảng 750 lao động. Những diện tích còn lại không sản xuất hoặc người dân tự ý chuyển sang trồng màu, nuôi trồng thuỷ sản.

Theo quan sát của phóng viên tại cánh đồng muối xã Bạch Long, rất nhiều ruộng muối trước đây từng là niềm tự hào của diêm dân với nhiều công sức để gây dựng thì nay bị bỏ hoang một cách lãng phí, cỏ mọc um tùm, sân phơi muối bị bong tróc. Hệ thống ô nề, thống, chạt bị sứt mẻ, rồi những lều đựng muối được làm kiên cố cũng bị xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí bị đổ nhưng cũng không ai để ý đến.

Bà Đỗ Thị Đậu, xóm Thành Tiến, người có thâm nên hơn 40 năm làm muối tại đây cho biết, để làm ra được hạt muối, mỗi vụ diêm dân phải đầu tư khá nhiều công sức, tiền bạc. Nếu chỉ tu sửa đồng ruộng gồm sân phơi, ô chạt… chi phí khoảng từ 3 - 4 triệu đồng/sào; còn làm mới thì phải mất từ 10 - 12 triệu đồng/sào.

Đầu tư nhiều vậy nhưng nếu thời tiết thuận lợi, nắng nhiều thì cả ngày làm quần quật trên cánh đồng mỗi diêm dân cũng chỉ thu được từ 100.000 - 120.000 đồng. Giá muối hiện nay bán tại ruộng chỉ từ 1.200 - 1.400 đồng/kg, chính vì thu nhập thấp nên nhiều người đã bỏ ruộng đi làm nghề khác khiến diện tích đất bỏ hoang ngày càng nhiều.

Hướng đi mới cho nghề muối

Theo thống kê của UBND huyện Giao Thủy, vụ muối năm 2021, diện tích đất bị bỏ hoang trên địa bàn là 224 ha; trong đó xã Bạch Long là 174 ha; thị trấn Quất Lâm 35 ha và xã Giao Phong 15 ha. Nhằm tìm hướng đi mới cho nghề muối, ngăn chặn tình trạng ruộng muối bỏ hoang, gây lãng phí, mới đây UBND xã Bạch Long đã quy hoạch lại vùng sản xuất muối.

Theo đó, cánh đồng muối rộng 237 ha sẽ được chia thành 4 vùng chuyên canh sản xuất gồm: vùng sản xuất muối khoảng 55 ha; trồng màu 48 ha; nuôi trồng thuỷ sản 61 ha và cuối cùng là vùng sản xuất dịch vụ và thương mại rộng 65 ha.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Long Phạm Văn Quang, việc chia thành các vùng sản xuất chuyên biệt sẽ giải quyết được lãng phí nguồn tài nguyên đất bỏ hoang trên địa bàn xã trong nhiều năm qua. Mặt khác, việc quy hoạch vùng sản xuất muối chuyên canh sẽ giúp diêm dân và các doanh nghiệp dễ dàng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng muối.

Trên địa bàn huyện Giao Thủy hiện có 6 doanh nghiệp thu mua và chế biến muối. Các cơ sở này đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho bà con diêm dân và thu mua muối ở các tỉnh khác về để chế biến. Tổng sản lượng muối các cơ sở thu mua chế biến trong năm 2020 trên 71.000 tấn với các sản phẩm như: muối thô sạch, muối tinh, muối tinh sấy và muối i-ốt.

Ông Lại Văn Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc hợp tác xã Dịch vụ - Diêm nghiệp, thuỷ sản và môi trường Bạch Long cho biết, từ lâu muối biển Nam Ðịnh đã được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, giá trị dinh dưỡng. Những năm qua các sản phẩm muối của doanh nghiệp trên địa bàn đã xuất khẩu đi hầu hết các thị trường tiềm năng trong nước thậm chí vươn tới cả thị trường Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, lượng muối sản xuất tại tỉnh Nam Định hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu chế biến, tiêu thụ của các doanh nghiệp nên các doanh nghiệp phải nhập muối nguyên liệu từ các tỉnh khác để đảm bảo đủ năng lực sản xuất, kinh doanh. Vì vậy tỉnh cần nhanh chóng phê duyệt vùng sản xuất muối, nâng cấp hạ tầng để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, hỗ trợ xây dựng các mô hình muối sạch để nâng tính cạnh tranh trên thị trường.

Ông Trần Xuân Sinh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giao Thủy cho biết, trên địa bàn hiện còn duy nhất cánh đồng muối xã Bạch Long đang duy trì sản xuất. Để các diêm dân tại đây yên tâm theo nghề, đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt vùng sản xuất muối theo quy hoạch; có cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư kinh phí nâng cấp cơ sở hạ tầng; đặc biệt là việc phát triển sản phẩm OCOP đối với muối và các sản phẩm từ muối.

Ông Cao Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy khẳng định, thời gian tới địa phương sẽ huy động các nguồn lực, kêu gọi các nguồn vốn đầu tư vào đồng muối; cải tiến, tu sửa các trang thiết bị sản xuất và chế biến muối hiện đại hơn. Đặc biệt là quảng bá, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vùng sản xuất muối và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chế biến từ muối để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Công Luật

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm