Ninh Thuận có bờ biển dài hơn 105 km, nước biển có độ mặn cao, năng lượng bức xạ lớn, nhiều nắng, gió...hội tụ những điều kiện lý tưởng để phát triển nghề muối. Tuy vậy, việc làm ra hạt muối vẫn còn nhiều bất cập, cần sớm được tháo gỡ để khai thác tốt nhất tiềm năng vốn có.
Bấp bênh nghề làm muối
Ninh Thuận là địa phương có nghề làm muối truyền thống hàng trăm năm nay và hiện là 1 trong 19 tỉnh thành ven biển có diện tích và sản lượng muối lớn nhất cả nước. Nghề làm muối ở Ninh Thuận tập trung chủ yếu ở các xã Phương Hải, Tri Hải, Nhơn Hải (huyện Ninh Hải); các xã Cà Ná, Phước Diêm, Phước Minh (huyện Thuận Nam).
Có hơn 20 năm thâm niên làm muối, diêm dân Nguyễn Văn Được (xã Tri Hải, huyện Ninh Hải) chia sẻ, Ninh Thuận có lợi thế về sản xuất muối do khí hậu khô nóng quanh năm, nước biển bốc hơi kết tinh thành hạt nhanh hơn, hạt muối to, khô ráo. Bà con làm muối theo kiểu truyền thống là đầu vụ tiến hành san phẳng, đầm mặt ruộng để tạo “lớp da đất” sau đó bơm nước biển vào ruộng, đợi nước biển bốc hơi khoảng một tuần lễ thì cào muối. Cứ thế, xong đợt một lại tiếp tục bơm nước biển vào, đợi nước bốc hơi và thu hoạch muối, chỉ tạm dừng sản xuất khi trời mưa, bão.
Ông Được chia sẻ, nhờ thời tiết thuận lợi, vụ này gia đình làm 6 sào muối cho sản lượng thu hoạch trên 8 tấn muối/tuần. Sản lượng cao nhưng giá muối lại thấp, gia đình chỉ bán được với giá 450 đồng/kg, sau khi trừ chi phí coi như hòa vốn, đó là chưa tính công lao động của các thành viên trong nhà. Nghề muối là cái nghề vất vả hoàn toàn phải trông chờ vào thiên nhiên, năm nào nắng đều thì sản lượng khá, nếu mưa rải đều là mất vụ.
Ông Trần Thanh vừa là diêm dân sản xuất 3 ha muối, đồng thời cũng là Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh muối Khánh Nhơn (huyện Ninh Hải) cho hay, sản lượng tăng thường tỷ lệ nghịch với giá, đây vốn là điệp khúc “được mùa – mất giá” của nhiều sản phẩm nông nghiệp.
Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID – 19, các ngành công nghiệp, chế biến thủy sản hoạt động khó khăn nên nhu cầu tiêu thụ muối chậm. Cách làm muối thủ công cho nước biển vào ruộng để kết tinh muối trên đất, sản phẩm sẽ lẫn một số tạp chất không tan; khả năng tích trữ của bà con rất hạn chế; kho chứa muối đa phần tạm bợ trong khi đó nhu cầu cần phải bán ngay để trang trải sinh hoạt nên các thương lái dựa vào để ép mua muối với giá thấp khi vào chính vụ.
Ông Thanh phân tích, để muối bán được với giá cao hơn thì chất lượng muối phải “sạch” – muối ít lẫn tạp chất. Diêm dân làm muối sạch sử dụng công nghệ trải bạt kết tinh. Một đợt làm muối trải bạt kéo dài 7- 10 ngày đủ thời gian để nước biển “đóng hạt” kết tinh hạt muối trắng đẹp, khô ráo. Muối trải bạt có giá bán cao hơn so với muối nền đất do đây là nguồn nguyên liệu sạch để các doanh nghiệp chế biến thành muối tinh chất lượng cao. Tuy nhiên, đầu tư cho sản xuất muối sạch cao, chi phí đầu tư trải bạt khoảng trên 1 tỷ đồng/ha. Do mức đầu tư lớn nên nhiều diêm dân vẫn chấp nhận phương pháp làm muối nền đất.
Dẫn chứng điều này, ông Thanh cho hay gần 200 ha liên kết sản xuất muối của hợp tác xã hiện mới có 3 ha muối áp dụng phương pháp trải bạt. Chưa kể, sau khi hạt muối trải bạt làm ra sẽ phải tiếp tục cạnh tranh đầu ra với muối của các công ty, doanh nghiệp sản xuất với quy mô diện tích, sản lượng lớn hơn gấp nhiều lần.
Chia sẻ về giá muối, bà Nguyễn Thị Thơm, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Hân (huyện Ninh Hải) cho biết, công ty chuyên khai thác, chế biến và kinh doanh các loại sản phẩm về muối biển với sản lượng hơn 20.000 tấn/năm. Lâu nay, mọi người vẫn nói giá muối thấp do thương lái ép giá nhưng thực ra sản lượng muối ở địa phương tiêu thụ được là nhờ các thương lái.
Theo quy luật kinh tế thị trường, mỗi công ty phải tính toán hiệu quả kinh doanh để có phương án thu mua, nếu kinh doanh có lãi mới có thể mua muối với giá cao. Công ty cần nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất nhưng đa phần diêm dân sản xuất muối ở quy mô nhỏ lẻ, chất lượng muối chưa cao nên khó đáp ứng được yêu cầu về sản lượng cũng như chất lượng.
Muối diêm dân sản xuất theo kiểu truyền thống nhỏ, lẻ, thiếu sự liên kết trong sản xuất, không có hợp đồng mua bán khiến giá cả muối lên xuống thất thường, thu nhập bấp bênh nên nhiều diêm dân không còn mặn mà với nghề, diện tích muối cũng giảm dần.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có 3.078 ha đất làm muối, giảm 188 ha so với năm 2019; trong đó bao gồm 2.447 ha muối công nghiệp và 631 ha muối diêm dân. Sản lượng muối 6 tháng đầu năm 2020 của tỉnh đạt 484.864 tấn gồm: muối diêm dân sản xuất đạt 187.576 tấn, muối sản xuất công nghiệp 297.288 tấn. Giá muối diêm dân sản xuất dao động ở mức từ 350 – 600 đồng/kg; muối công nghiệp có giá từ 600 - 1.000 đồng/kg.
Phát triển bền vững nghề muối
Chất lượng và tiêu thụ sản phẩm đang đặt ngành muối của tỉnh Ninh Thuận trước yêu cầu phải đổi mới sản xuất và cần có chiến lược phát triển bền vững. Do vậy, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất muối gắn với đổi mới công nghệ, đầu tư mới và cải tạo đồng muối để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trên đơn vị diện tích đang là vấn đề cấp thiết đòi hỏi cần có sự phối hợp triển khai đồng bộ từ các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, để nghề làm muối phát triển bền vững, Ninh Thuận hiện đang tập trung triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 – 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại quyết định số 1325/QĐ – TTg (ngày 31/8/2020) và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh giai đoạn 2020 tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đề án phát triển ngành muối của Chính phủ, Ninh Thuận sẽ là vùng trọng điểm tập trung sản xuất muối quy mô công nghiệp ở Nam Trung bộ để đáp ứng nhu cầu cho ngành công nghiệp hóa chất, nguyên liệu cho chế biến muối tinh cao cấp. Đến năm 2030, Ninh Thuận sẽ là địa phương dẫn đầu về quy mô diện tích và sản lượng muối của cả nước.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030, quy mô diện tích sản xuất muối của tỉnh là 3.267 ha; trong đó, có 3.055 ha muối công nghiệp; sản lượng muối đến năm 2025 đạt 426.500 tấn/năm (muối công nghiệp 385.000 tấn); đến năm 2030 nâng tổng sản lượng lên 650.000 tấn (muối công nghiệp 550.000 tấn).
Để thực hiện mục tiêu phát triển, đề án phê duyệt danh mục xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng sản xuất muối công nghiệp hiện có cùng các chương trình nghiên cứu khoa học – công nghệ để chuyển giao vào sản xuất gồm: nghiên cứu, xây dựng mô hình công nghệ cao kết tinh muối ứng dụng hiệu ứng nhà kính theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến. Đồng thời, quy trình xây dựng công nghệ sản xuất muối phơi nước tập trung theo hướng cơ giới hóa gắn với hệ thống cấp nước biển và chế chạt trong quá trình sản xuất muối để ứng dụng cho các đồng muối công nghiệp.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cải tạo nền ô kết kinh để thực hiện cơ giới hóa đồng bộ các khâu từ cung cấp nước biển đến thu hoạch, rửa và đánh đống bảo quản muối; thuộc các dự án ưu tiên đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 320 tỷ đồng từ các nguồn vốn của Trung ương và các nguồn khác.
Để góp phần bảo đảm nhu cầu muối công nghiệp cho cả nước, ngành nông nghiệp tỉnh đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương rà soát, xây dựng các kế hoạch phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối. Đối với sản xuất muối công nghiệp, tham mưu UBND tỉnh có các chính sách ưu tiên phát triển doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại gắn với chế biến đa dạng các sản phẩm sau muối để gia tăng giá trị sản xuất.
Đồng thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống kho bảo quản muối, bảo đảm muối dự trữ phục vụ sản xuất kinh doanh, mua tạm trữ muối; hỗ trợ đầu tư hệ thống thiết bị chế biến, phân tích chất lượng muối, mẫu mã, bao bì cho các cơ sở sản xuất chế biến muối vừa và nhỏ để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đối với sản xuất muối thủ công, Ninh Thuận huy động các nguồn lực từ các chương trình khuyến nông, khuyến diêm để hỗ trợ bà con đẩy mạnh đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng diện tích sản xuất muối trải bạt kết tinh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất muối sạch; thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để hỗ trợ diêm dân trong cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm.
Bên cạnh đó, Ninh Thuận tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, các đơn vị nâng cao năng lực dự báo nhu cầu thị trường, cân đối cung cầu muối để có kế hoạch sản xuất phù hợp; đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm sau muối, kết hợp tăng cường xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ muối nhằm góp phần đảm bảo sinh kế, nâng cao thu nhập cho diêm dân.
Nguyễn Thành