Sản xuất muối ở xã Bạch Long, huyện Giao Thủy. Ảnh Công Luật-TTXVN |
Người dân mong chờ chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các hợp tác xã hỗ trợ tổ chức các kênh phân phối, bao tiêu sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu muối sạch, tìm thị trường tiêu thụ ổn định, giúp diêm dân bám nghề, ổn định cuộc sống.
Nhiều diện tích bỏ hoang
Mặc dù đang là chính vụ sản xuất muối nhưng trên cánh đồng muối xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định - nơi được xem là vựa muối của miền Bắc hoạt động sản xuất muối tại đây khá trầm lắng. Cánh đồng muối rộng hàng trăm héc ta này chỉ có người trung tuổi, người già và học sinh tham gia làm muối, tuyệt nhiên vắng bóng lực lượng lao động chính là thanh niên.
Ông Phạm Văn Hạnh, người có thâm niên làm muối tại xã Bạch Long từ năm 1962 đến nay cho biết: “Khoảng 10 năm trước cánh đồng muối này rất nhộn nhịp, tuy nhiên thời gian gần đây do giá muối thấp, đầu ra bấp bênh trong khi làm muối rất vất vả nên nhiều người bỏ nghề. Chỉ còn những người già cả không đi làm gì được thì bám đồng ruộng thôi còn lớp trẻ bây giờ đa phần đi làm ăn xa quê.”
Sản xuất muối ở xã Bạch Long, huyện Giao Thủy. Ảnh Công Luật-TTXVN |
Để làm ra được hạt muối, mỗi vụ diêm dân phải đầu tư khá nhiều công sức, tiền bạc. Chỉ tính riêng việc tu sửa đồng ruộng gồm làm lại sân phơi, ô chạt, cát giống… chi phí bỏ ra đã khoảng 2 triệu đồng/sào. Hiện nay với giá muối mua tại ruộng là 1.300 - 1.600 đồng/kg, tính ra cả ngày làm quần quật trên cánh đồng, cật lực lắm mỗi người cũng chỉ thu được từ 100.000 - 120.000 đồng nên nhiều người đã bỏ đồng ruộng đi làm nghề khác.
Theo ông Nguyễn Trung Thọ, Chủ tịch UBND xã Bạch Long, toàn xã có khoảng 230 ha muối nhưng do hiệu quả kinh tế thấp, nhiều người không mặn mà với nghề làm muối, nhiều đồng muối bị bỏ hoang nên hiện nay diện tích muối của xã chỉ còn 100 ha. Số người làm muối giảm theo từng năm, nếu như trước đây trong xã có 20 đội sản xuất muối, vào vụ muối mỗi đội thường duy trì khoảng 100 người làm thì nay mỗi đội chỉ còn 10 người bám nghề.
Huyện Giao Thủy có 359 ha sản xuất muối tập trung ở thị trấn Quất Lâm và các xã Bạch Long, Giao Phong nhưng do giá trị ngày công lao động thấp nên diêm dân không còn mặn mà với nghề muối. Hiện Giao Thủy chỉ còn duy trì sản xuất khoảng 170 ha, còn lại trên 180 ha bị bỏ hoang. Cánh đồng muối ở xã Giao Phong có diện tích 51 ha nhưng hiện chỉ có 2 ha đang sản xuất. Cánh đồng muối ở thị trấn Quất Lâm có diện tích 78 ha nhưng cũng chỉ còn 20 ha đang sản xuất.
Tìm hướng đi cho nghề muối
Theo người dân, để làm ra hạt nuối phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên phải ngâm cát vào nước biển sau đó đem cát đó phơi trên sân đất nện, khi cát khô sẽ kết tinh thành những hạt muối nhỏ. Dùng nước biển lọc qua cát đó sẽ được nước mặn hơn, rồi tiếp tục phơi cát và dùng nước mặn lọc qua cát đã phơi, sau gần 10 tiếng, nước biển bốc hơi để lại những hạt muối. Làm muối phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, càng nắng to thì diêm dân càng được nhiều muối.
Sản xuất muối ở huyện Giao Thủy. Ảnh Công Luật-TTXVN |
Hiện diêm dân Nam Định chủ yếu vẫn làm muối theo phương pháp thủ công, nhỏ lẻ, manh mún nên chất lượng muối không cao, khó tìm được thị trường tiêu thụ ổn định.
Để tháo gỡ khó khăn cho nghề làm muối, Chủ tịch UBND xã Bạch Long Nguyễn Trung Thọ cho rằng, cần phải chú trọng đến chất lượng muối, mở rộng những diện tích muối sạch. Hiện xã đang khẩn trương quy hoạch chi tiết những vùng sản xuất muối sạch, đồng thời tổ chức lại hợp tác xã sản xuất muối theo mô hình mới để hoạt động hiệu quả hơn.
Còn theo ông Trịnh Ngọc Chu, Giám đốc Hợp tác xã muối Bạch Long, hiện nay các chính sách cho ngành muối còn ít và chưa đủ để giúp người dân yên tâm sản xuất. Mặt khác, nhiều hợp tác xã không đủ năng lực cạnh tranh với tư thương trong hoạt động kinh doanh muối dẫn đến giá muối thấp. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ diêm dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất muối, hỗ trợ các hợp tác xã, đặc biệt là tăng cường mở rộng quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho ngành muối.
Sản xuất muối ở huyện Giao Thủy. Ảnh Công Luật-TTXVN |
Ông Mai Thanh Long, Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy cho biết, trên địa bàn huyện hiện đã có một cơ sở sản xuất muối sạch chuyên thu gom muối của người dân với công suất hàng nghìn tấn mỗi năm và giá sản phẩm muối sạch cao gấp 1,4 lần so với muối thường. Để nâng cao hiệu quả sản xuất muối, người dân, nhất là các hợp tác xã cần áp dụng công nghệ mới vào sản xuất và chế biến muối.
Đối với những diện tích làm muối kém hiệu quả bị bỏ hoang, huyện đang xin chủ trương chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản hoặc trồng hoa màu khác để tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất.
Công Luật