Vĩnh Phúc triển khai biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán

Vĩnh Phúc triển khai biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có Công văn 4359/UBND-NN4 chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước.

Vĩnh Phúc triển khai biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán ảnh 1Ảnh hưởng của hiện tượng El Nino gây nên tình trạng khô hạn trên diện rộng ảnh hưởng đến sản xuất. Ảnh: vinhphuc.gov.vn

Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, lượng mưa từ đầu năm 2023 đến nay chỉ đạt 60 - 70% trung bình nhiều năm; nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm 1,5 độ C và cao hơn cùng kỳ năm trước 1,7 độ C. Mực nước các hồ chứa hiện chỉ đạt 27,7% dung tích thiết kế. Nắng nóng xuất thiện từ đầu tháng 5 và theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh có khoảng 6 - 8 đợt nắng nóng diện rộng tập trung từ tháng 5 đến tháng 7. Nguy cơ xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng trong thời gian tới.

Trước tình hình phức tạp trên, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn; Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Thủy lợi thực hiện ngay các biện pháp ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước. Các đơn vị chủ động thực hiện giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất trong điều kiện nắng nóng gay gắt và có khả năng kéo dài, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Các ngành và địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước; kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để có kế hoạch vận hành từng hệ thống thủy lợi, hồ chứa thủy lợi, điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước.

Các ngành và địa phương trong tỉnh triển khai các biện pháp cần thiết để trữ nước; đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến; kéo dài đường ống dẫn nước để kết nối nguồn nước từ đô thị phục vụ cho nông thôn; vận chuyển nước sinh hoạt cho các khu dân cư, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước. Các địa phương chủ động thực hiện giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc các địa phương, các công ty thủy lợi xây dựng, thực hiện phương án phòng, chống hạn hán, điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi, quản lý nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi. Sở theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tổ chức dự báo, chỉ đạo, hướng dẫn điều chỉnh thời vụ, cơ cấu cây trồng.

Sở Y tế chủ động hướng dẫn người dân các kỹ năng bảo vệ sức khỏe khi nắng nóng gay gắt kéo dài; chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở hướng dẫn nhân dân bảo đảm an toàn môi trường, tránh bùng phát dịch bệnh do nắng nóng, hạn hán kéo dài.

Các cơ quan báo chí đang hoạt động trên địa bàn tỉnh tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị và người dân để thay đổi nhận thức, chủ động sử dụng tiết kiệm nước.

Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thiếu nước, hạn hán. Điển hình, các xã Đồng Ích, Xuân Lôi và Tiên Lữ (huyện Lập Thạch) thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, do nguồn nước ngầm cạn kiệt, khan hiếm. Nhiều gia đình phải mua nước sinh hoạt từ nơi khác với giá trên dưới 200.000 đồng/m3.

Theo thống kê, tỉnh Vĩnh Phúc có 874 ao, hồ, đầm với tổng diện tích hàng ngàn ha, được liệt kê vào Danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp, để đảm bảo tích trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Huyện Lập Thạch có số lượng lớn nhất tỉnh với 190 hồ, ao, đầm; tiếp đến là huyện Tam Dương 153 hồ, ao, đầm; Vĩnh Tường 137 hồ ao, đầm; Sông Lô 132 hồ ao đầm; Yên Lạc 74 hồ ao đầm; Bình Xuyên 73; Phúc Yên 50 và thành phố Vĩnh Yên có 25 hồ, ao, đầm.

Nguyễn Trọng Lịch

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm