Trước tình hình hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn có nguy cơ xảy ra cục bộ trong thời gian mùa khô năm 2023, tỉnh Ninh Thuận đang triển khai các biện pháp cấp bách để ứng phó, hạn chế ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của nhân dân, nhất là đối với các lĩnh vực trọng yếu của tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền, qua nhân định và đánh giá tình hình thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia mới đây, El Nino có khả năng sẽ xuất hiện vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 tới với xác suất khoảng từ 70 - 80% và có thể kéo dài sang đầu năm 2024.
Ninh Thuận là địa phương luôn chịu tác động của biến đổi khí hậu, hạn cục bộ thường xảy ra vào mùa khô. Vì thế, để chủ động ứng phó với tình hình trên, UBND tỉnh Ninh Thuận đang chuẩn bị ban hành kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tổng thể cho giai đoạn từ năm 2023 - 2025; đồng thời đưa ra các giải pháp ứng phó với các kịch bản khác nhau về khí tượng, thủy văn, nguồn nước do ảnh hưởng của El Nino, bao gồm trường hợp El Nino có mức độ ảnh hưởng mạnh, kéo dài như đã xuất hiện trong các năm 2014 - 2016.
Ông Phùng Đình Thanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên khai thác các công tình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cho biết, tính đến sáng 25/5, tổng lượng nước nước ở 22 hồ chứa do công ty quản lý đạt hơn 250/414,29 triệu m3 dung tích thiết kế. Mặc dù tổng lượng nước hiện tại còn trên 50%, thế nhưng một số hồ chứa lượng nước còn khá ít, không đảm bảo cho sản xuất.
Hiện nay, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi và Chi cục Thủy lợi tỉnh đang cùng với các đơn vị, địa phương có liên quan tiến hành rà soát kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa, công trình thủy lợi trên địa bàn; qua đó sẽ tính toán cân bằng nước để có kế hoạch vận hành từng hệ thống thủy lợi, hồ chứa thủy lợi điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước, ưu tiên nguồn nước cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu của tỉnh.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, để chủ động ứng phó với tình trạng trên, Sở Nông nghiệp đã đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi phối hợp với UBND các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để tổ chức tích nước hợp lý các hồ chứa, bảo đảm tích được lượng nước tối đa theo công trình; tổ chức phân phối nước hợp lý, tiết kiệm ngay từ thời điểm này để tích nước phục vụ cho thời gian tới.
Đồng thời chủ động thực hiện các biện pháp cần thiết để trữ nước; đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; đặc biệt là tính toán để lắp đặt, vận hành trạm bơm dã chiến, kéo dài đường ống dẫn nước để kết nối nguồn nước từ đô thị phục vụ cho nông thôn, vận chuyển nước sinh hoạt phục vụ cho các khu dân cư, cơ sở… có khả năng không đảm bảo nguồn nước.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ cùng với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi chủ động làm việc với Công ty Cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi thống nhất kế hoạch điều tiết nước từ hồ Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) về để vừa đảm bảo phục vụ phát điện, vừa bổ sung nước cho vùng hạ du ở Ninh Thuận, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn tỉnh.
Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận) đang khẩn trương rà soát, đánh giá hiện trang công trình cấp nước sạch nông thôn, có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo cấp nước cho nhân dân, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; đồng thời thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình cấp nước nông thôn.
Bên cạnh đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đang tập trung khắc phục, sửa chữa các công trình bị sự cố, giảm tối thiểu việc gián đoạn hoạt động cấp nước; xây dựng phương án cấp nước cho các điểm di dời tập trung và hỗ trợ, hướng dẫn người dân các giải pháp trữ nước, sử dụng hóa chất xử lý nước an toàn cho hộ gia đình dùng sinh hoạt.
Công Thử