Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dung tích các hồ chứa thủy lợi ở Trung Bộ hiện đang khoảng 44 - 85% dung tích thiết kế, cao hơn trung bình nhiều năm. Nguồn nước cơ bản đảm bảo cung cấp cho sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu 2023 nhưng cũng khó tránh khỏi nguy cơ thời điểm cao điểm mùa khô, nắng nóng kéo dài một số vùng có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Cục Thủy lợi dự báo đến cuối tháng 6/2023, dung tích trữ các hồ chứa thủy lợi khu vực Bắc Trung Bộ trung bình đạt 44% dung tích thiết kế như: Thanh Hóa 35%, Nghệ An 54%, Hà Tĩnh 45%, Quảng Bình 66%, Quảng Trị 50%, Thừa Thiên Huế 47%. Với tình hình nguồn nước như vậy, vụ Hè Thu-Mùa 2023 cơ bản các hồ đáp ứng được nhu cầu cấp nước.
Tuy nhiên, thời điểm cao điểm mùa khô, nắng nóng kéo dài một số vùng có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phải triển khai các giải pháp ứng phó cho khoảng 9.500-14.000 ha canh tác như: Thanh Hóa từ 3.000 - 5.000 ha, Nghệ An từ 5.000 - 6.000 ha, Hà Tĩnh 300 ha, Quảng Bình từ 100-600 ha, Quảng Trị từ 1.000-2.000 ha; Thừa Thiên Huế 100 ha.
Các diện tích trên cần tăng cường các giải pháp thủy lợi như: bơm dã chiến, đắp đập tạm, nạo vét kênh mương, tưới tiết kiệm nước,... đồng thời theo dõi và phối hợp chặt chẽ với các nhà máy thủy điện xả nước để bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất, Cục Thủy lợi khuyến cáo.
Hiện tại trên địa bàn các tỉnh vùng Nam Trung Bộ đã kết thúc vụ Đông Xuân 2022-2023. Vụ Hè Thu 2023, tổng diện tích sản xuất toàn vùng khoảng 350.300 ha lúa, hoa màu và cây hàng năm khác. Nguồn nước cơ bản đảm bảo cung cấp cho sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu.
Tuy nhiên, có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn với tổng diện tích bị ảnh hưởng khoảng 3.000 - 5.000 ha trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Dung tích toàn bộ các hồ chứa thủy lợi ở Nam Trung Bộ hiện đạt từ 44 - 85% dung tích thiết kế, cao hơn 11% so với trung bình nhiều năm, nhưng trung bình giảm khoảng 6% so với tháng 4/2023.
Các hồ chứa thủy lợi khu vực Bắc Trung Bộ hiện dung tích từ 44-76% dung tích thiết kế (trung bình toàn vùng 54,5%), cao hơn khoảng 2% so với trung bình nhiều năm, giảm 2,5% so với cùng kỳ tháng 4/2023. Dung tích trên thấp hơn 8% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng so với các năm 2015 và 2016 (năm kỷ lục về hạn hán, xâm nhập mặn) dung tích trung bình các hồ hiện tại cao hơn khoảng 10-14%.
Trong tháng 5/2023, do nắng nóng kéo dài, lượng mưa thiếu hụt dẫn đến một số địa phương miền núi phía Bắc lúc cao điểm có 1.300 ha diện tích cây trồng vụ Đông Xuân có nguy cơ xảy ra hạn hán thiếu nước. Tuy nhiên, gần đây nhiều địa phương có mưa vừa, mưa to nên nhiều nơi tình hình hạn cơ bản đã chấm dứt. Hiện tại, khu vực còn khoảng 282,5 ha có nguy cơ bị hạn, tập trung chủ yếu ở Lào Cai và Lạng Sơn.
Còn tại Đồng bằng sông Cửu Long, trong tháng 6/2023, mưa bắt đầu xuất hiện nhiều trên khắp các địa phương. Xâm nhập mặn trên các cửa sông Cửu Long giảm dần, ranh mặn 4g/l vào sâu từ 25-35km, cao hơn từ 2-5km so với trung bình nhiều năm, cao hơn năm 2022 từ 8-12km. Vùng ven biển cách cửa biển từ 25-35 km vẫn còn ảnh hưởng của xâm nhập mặn trong kỳ triều cường đầu tháng 6/2023.
Để phòng tránh các rủi ro tại các khu vực này thì nên chờ mưa xuất hiện diện rộng và nguồn nước ngọt trên sông ổn định thì mới xuống giống vụ Hè Thu năm 2023, Cục Thủy lợi khuyến cáo.
Bích Hồng