Vĩnh Phúc: Nâng tầm sản phẩm tiểu thủ công nghiệp nông thôn

Người làm nghề mộc ở Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên tập trung sản xuất các mặt hàng đồ gỗ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch-TTXVN
Người làm nghề mộc ở Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên tập trung sản xuất các mặt hàng đồ gỗ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch-TTXVN

Với mục tiêu khôi phục, phát triển nghề truyền thống, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều giải pháp khuyến khích phát triển các ngành nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn. Từ đó, khai thác được thế mạnh của từng địa phương, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Vĩnh Phúc: Nâng tầm sản phẩm tiểu thủ công nghiệp nông thôn ảnh 1Điểm bán hoa, cây cảnh tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP.Vĩnh Yên). Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch-TTXVN

Xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường hiện có 3 làng nghề được tỉnh Vĩnh Phúc công nhận là làng nghề truyền thống. Các làng nghề truyền thống đã thực sự trở thành thế mạnh để xã chú trọng đầu tư xây dựng nông thôn mới. Nhờ đầu tư đúng hướng, tận dụng được tiềm năng lợi thế của địa phương, các làng nghề đã khôi phục mạnh mẽ, tạo việc làm cho người dân, nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng.

Ông Trần Hoàng Hà, Cán bộ khuyến công xã Lý Nhân cho biết, thay vì sản xuất thủ công, các hộ làm nghề trong xã đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. Riêng ở làng nghề rèn Bàn Mạch đã có 300 máy búa, 6 máy cán, 175 máy đột dập và hàng nghìn máy móc khác nên chất lượng sản phẩm của làng nghề ngày càng được nâng cao. Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ ở trong nước mà từng bước được xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Lào... giúp tăng thu nhập cho các hộ làm nghề. Thu nhập bình quân của người dân tăng lên gần 60 triệu đồng/năm, các làng nghề đã giải quyết việc làm cho hơn 2.200 lao động trong và ngoài xã.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 28 làng nghề với trên 8.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho khoảng 55.000 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Để duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang tích cực hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, dây chuyền công nghệ; chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của tỉnh.

Là một thợ mộc sống bằng nghề cha ông để lại, chưa bao giờ gia đình anh Phạm Tiến Tùng, thị trấn Yên Lạc (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) lại nghĩ rằng mình có thể mở rộng sản xuất, làm giàu ngay trên chính quê hương. Trước đây, mọi công đoạn, sản phẩm mộc đều được anh Tùng làm thủ công nên mất khá nhiều thời gian để hoàn thành một sản phẩm.

Tháng 10/2023, từ nguồn vốn hỗ trợ hơn 150 triệu đồng của Trung tâm Phát triển Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc cùng với nguồn vốn tích lũy của gia đình, anh Tùng đã đầu tư mới 2 máy đục CNC 10 đầu đục có công suất đầu khắc 1.5kW, tốc độ làm việc 8000mm/phút, hành trình làm việc 3200mm-1700mm-250mm. Với dòng máy này, có thể làm ra sản phẩm tự động, sản phẩm hoàn thiện chính xác và đẹp mắt, không phụ thuộc vào tay nghề người thợ. Nhờ có máy móc, giờ đây mỗi tháng, cơ sở của anh xuất ra thị trường hơn 300 bộ sản phẩm giường. Nhờ đó, cơ sở của anh Tùng đã tạo việc làm cho 6 lao động, thu nhập đạt 9-10 triệu đồng/tháng, doanh thu đạt 600 triệu đồng/tháng.

Năm 2023, Trung tâm Phát triển Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ kinh phí đầu tư, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho 36 cơ sở công nghiệp nông thôn với tổng kinh phí hỗ trợ trên 5,5 tỷ đồng. Việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại vào các khâu sản xuất đã góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng và tăng sức cạnh tranh của các cơ sở tiểu thủ công nghiệp trên thị trường. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức các lớp đào tạo nghề như may công nghiệp, thêu ren đính cườm xuất khẩu, đan lát, nghề mộc; hỗ trợ đào tạo quản trị kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp cho cán bộ kỹ thuật các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh.

Vĩnh Phúc: Nâng tầm sản phẩm tiểu thủ công nghiệp nông thôn ảnh 2Người làm nghề mộc ở Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên tập trung sản xuất các mặt hàng đồ gỗ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch-TTXVN

Trung tâm Phát triển Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; tổ chức 4 lần bình chọn được 35 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; đồng thời, hỗ trợ tư vấn, giúp các cơ sở trong lập dự án đầu tư, marketing, quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, tiếp cận các chính sách ưu đãi đầu tư; cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát, nghiệm thu các đề án khuyến công.

Để sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục hỗ trợ triển khai ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất ở các làng nghề, hỗ trợ xây dựng trên trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến. Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa, hỗ trợ xây dựng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.

Nguyễn Thảo

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm