Vĩnh Phúc chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Vĩnh Phúc chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Vĩnh Phúc luôn quan tâm dành nguồn lực chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa; từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương.

Vĩnh Phúc chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 1Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan trao quà trung thu cho các cháu thiếu niên, nhi đồng xã Đạo Trù (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Ảnh: vinhphuc.gov.vn

Đạo Trù từng là xã thuộc diện khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Tam Đảo với gần 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nơi đây được nâng cao đáng kể.

Gia đình ông Lương Văn Tiếp ở thôn Phân Lan Hạ, xã Đạo Trù là hộ điển hình về việc sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả để vươn lên thoát nghèo. Sau khi vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tam Đảo, sự giúp đỡ từ anh em, bạn bè, ông Tiếp đầu tư nuôi trên 100 con lợn thịt, 10 con lợn nái kết hợp với trồng rau, ớt và bí xanh. Ông còn mở thêm dịch vụ thu gom, vận chuyển rau xanh của nhân dân trong vùng đi tiêu thụ. Nhờ sự cần cù lao động, trừ chi phí, mỗi năm ông thu lãi trên 100 triệu đồng. Từ một hộ nghèo, thuộc diện khó khăn, đến nay ông Tiếp xây dựng được nhà, đời sống khá giả.

Ông Lưu Xuân Năm, Bí thư xã Đạo Trù chia sẻ: Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, cấp ủy, chính quyền xã chú trọng lồng ghép các chương trình giảm nghèo gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xã điều tra từng thôn, hộ, tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, vận động người dân mạnh dạn vay vốn để đầu tư kinh doanh. Chính quyền xã Đạo Trù thường xuyên phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tam Đảo tạo điều kiện cho người dân vay vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất, xây, sửa nhà cửa. Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hộ kinh tế còn khó khăn trên địa bàn xã Đạo Trù đã vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế. Đến nay, hộ nghèo của xã còn 3,2%.

Những năm qua, huyện Tam Đảo luôn quan tâm, thực hiện công tác an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc. Có thể kể đến việc tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng; hỗ trợ sản xuất thông qua hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo đảm việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương. Trung tâm y tế huyện Tam Đảo đầu tư gần 20 tỷ đồng cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho trạm y tế, phòng khám đa khoa, nhất là ở nơi xa trung tâm, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Vĩnh Phúc có gần 40 dân tộc cùng sinh sống; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 55.000 người, chiếm 4,8% dân số, chủ yếu là đồng bào Sán Dìu, Dao, Cao Lan, Tày, Mường, Nùng…Tỉnh đẩy mạnh lồng ghép thực hiện chính sách dân tộc với chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; hỗ trợ học phí cho con em người dân tộc; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc có nhu cầu học; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt…

Nhờ đó, công tác dân tộc thiểu số, xóa đói giảm nghèo ở Vĩnh Phúc đạt được một số kết quả tích cực. Đến nay, tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn; gần 80% vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tham gia bảo hiểm xã hội; 100% các xã miền núi có trạm y tế xã, đa số thôn có cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu. Hệ thống các thiết chế văn hóa vùng dân tộc thiểu số và miền núi được củng cố và quan tâm đầu tư. 100% các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nhà văn hóa hoặc điểm bưu điện văn hóa. Công tác giáo dục được quan tâm chú trọng, cơ sở vật chất trường lớp học được đầu tư xây dựng, nâng cấp và kiên cố hóa. Hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi giảm nhanh, năm 2011 là 12,47%, đến cuối năm 2022 còn 2,34%.

Tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, dân tộc thiểu số; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; hỗ trợ phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, chi phí giống, phân bón…

Đồng thời, tỉnh giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ mê tín, dị đoan, hủ tục lạc hậu...

Nguyễn Thảo

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm