Vĩnh Phúc chủ động phương án khắc phục thiếu giáo viên ở các cấp học

Giờ học của giáo viên và học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN
Giờ học của giáo viên và học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN

Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh Vĩnh Phúc thiếu 3.569 giáo viên theo định mức. Tình trạng thiếu giáo viên ở hầu hết các cơ sở giáo dục đang là một trở ngại lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.

Vĩnh Phúc chủ động phương án khắc phục thiếu giáo viên ở các cấp học ảnh 1Giờ học của giáo viên và học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN

Năm học này, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc còn thiếu 149 giáo viên ở 3 cấp học là Mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở so với chỉ tiêu được giao. Để khắc phục khó khăn này, đảm bảo cho công tác dạy và học, huyện Yên Lạc đang đề nghị thẩm định kế hoạch tuyển dụng, dự kiến xét tuyển và thu hút 92 chỉ tiêu (35 chỉ tiêu mầm non, 57 chỉ tiêu tiểu học); đồng thời, chủ động phương án tình huống như tăng cường, biệt phái giáo viên giữa các trường.

Tình trạng thiếu giáo viên ở huyện Yên Lạc là thực trạng chung của hầu hết các cơ sở giáo dục địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay. Theo thống kê, các cơ sở giáo dục công lập của tỉnh Vĩnh Phúc đang thiếu 1.137 giáo viên theo biên chế giao, thiếu 3.569 giáo viên theo định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Riêng khối phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện, thành phố, hiện thiếu 3.287 biên chế theo định mức, chiếm 92% toàn tỉnh.

Đội ngũ giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc không những thiếu về số lượng mà còn thiếu cả về nguồn tuyển. Công tác tuyển dụng giáo viên tại các huyện, thành phố diễn ra chậm.

Đơn cử như huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, địa phương này đã triển khai xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên, tuy nhiên sắp hết thời hạn nộp hồ sơ, huyện Bình Xuyên mới thu được 11 hồ sơ trên 76 chỉ tiêu giáo viên tiểu học. Ở cấp Trung học Cơ sở, huyện Bình Xuyên có 83 chỉ tiêu hợp đồng, song mới chỉ hợp đồng được 10 chỉ tiêu.

Hiện nay, 3 huyện là Vĩnh Tường, Lập Thạch, Bình Xuyên đang thực hiện kế hoạch tuyển dụng giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở với 312 chỉ tiêu, trong đó 25 chỉ tiêu thu hút và 287 chỉ tiêu thi tuyển. Năm huyện, thành phố chưa thực hiện việc tuyển bổ sung giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở còn thiếu theo chỉ tiêu biên chế được giao là thành phố Phúc Yên (83 chỉ tiêu), huyện Sông Lô (75 chỉ tiêu), huyện Tam Dương (115 chỉ tiêu), huyện Tam Đảo (55 chỉ tiêu) và thành phố Vĩnh Yên (147 chỉ tiêu).

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, nguồn tuyển môn Tin học, Ngoại ngữ cấp tiểu học và Trung học cơ sở khó khăn. Nguồn tuyển chất lượng cao không đáp ứng được do sức hút vào ngành Giáo dục còn hạn chế. Việc tuyển dụng theo chính sách thu hút gặp rào cản từ quy định về tiêu chuẩn, điều kiện trong văn bản quy phạm pháp luật.

Vĩnh Phúc chủ động phương án khắc phục thiếu giáo viên ở các cấp học ảnh 2Giờ học ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài của học sinh Trường Tiểu học Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện tăng cường, biệt phái giáo viên giữa các trường. Đồng thời, tìm nguồn hợp đồng giáo viên, bố trí giáo viên dạy tăng tiết… để đảm bảo các hoạt động giáo dục.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đang yêu cầu các phòng chuyên môn xây dựng chỉ tiêu, đưa vào cam kết đối với các huyện, thành phố về việc đảm bảo tỷ lệ giáo viên tối thiểu.

Trước đó, để chuẩn bị điều kiện tốt nhất về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tháng 8/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức thi tuyển 11 chỉ tiêu giáo viên Trung học Phổ thông cho các nhà trường.

Nguyễn Thảo

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm