* Chìa khoá để giảm nghèo
Tại tỉnh biên giới Lạng Sơn, cung đường tuần tra biên giới được đổ bê tông phẳng lỳ, uốn lượn qua những đồi thông xanh mát qua xã Yên Khoái, Tú Mịch, Tam Gia (huyện Lộc Bình) tới Bính Xá, Bắc Xa (huyện Đình Lập). Hai bên đường, rừng thông phủ xanh vùng đồi núi trập trùng. Những ngôi nhà tầng khang trang mọc lên ngày càng nhiều, thay cho những ngôi nhà tường tranh, vách đất trước đây. Đường bê tông đã vươn tới những thôn, bản xa xôi, hẻo lánh, thay cho con đường đất bùn lầy mỗi khi mưa xuống trước đây.
Gắn bó với mảnh đất chôn rau cắt rốn Yên Khoái hơn 50 năm nay, anh Trịnh Văn Tuấn, người địa phương hiểu rõ hơn ai hết sự đổi thay của mảnh đất quê hương. “Trước đây khắp khu vực này là đất hoang hoá, cằn cỗi, còn dân cư rất thưa thớt. Cuộc sống khó khăn vô cùng do thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất. Nhà nào cũng đói khổ vì một năm chỉ trồng ngô, trồng lúa được một vụ. Nghèo đói cứ bám riết. Nhưng từ ngày có cây thông mã vỹ, đời sống của người dân đã khấm khá hẳn lên” - anh Trịnh Văn Tuấn chia sẻ.
Người đàn ông 45 tuổi này phấn khởi chia sẻ, gần 15 năm nay, gia đình anh đã nhận hơn 3 ha đất đồi để trồng thông lấy nhựa, trung bình mỗi một héc-ta trồng 1.650 cây thông. Anh trồng gần 5.000 cây thông này từ năm 2010 và nay bắt đầu đến thời điểm có thể thu hoạch mủ. Trong mong đợi của anh, mỗi cây thông có thể cho khoảng 6kg nhựa/năm.
“Theo giá hiện nay ở địa phương, 1kg nhựa thông có giá giao động từ 30.000 - 35.000 đồng. Số thông trồng trên 3 ha này của tôi có thể sẽ đem lại thu nhập cả trăm triệu đồng”, anh Trịnh Văn Tuấn bộc bạch.Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Khoái Hoàng Thị Giang, địa phương là một trong bốn xã biên giới của huyện Lộc Bình. Dù có Cửa khẩu Chi Ma là nơi giao thương với Cửa khẩu Ái Điểm của Trung Quốc- điều kiện để người dân có thêm việc làm. Song công việc chính của người dân Yên Khoái là phát triển kinh tế đồi rừng.
“Diện mạo thôn xóm được khang trang như bây giờ phần lớn là nhờ cây thông mã vỹ. Chúng tôi từng trồng thử nghiệm nhiều loại cây, nhưng chỉ có loài thông mã vỹ là sinh trưởng và phát triển tốt ở vùng đất này. Vậy là, từ năm 2003, bà con bắt đầu triển khai trồng thông. Từ một diện tích nhỏ, đến nay, hầu hết khu vực đồi núi ở đây được phủ xanh bởi loại cây này. Đời sống bà con theo đó khấm khá dần lên”, bà Hoàng Thị Giang nói.“Bình quân thu nhập của người dân xã Yên Khoái hiện nay ở mức 49 triệu đồng/năm. Theo lộ trình phát triển nông thôn mới nâng cao, chúng tôi phấn đấu năm 2024 là 51 triệu đồng/năm” - Bà Hoàng Thị Giang chia sẻ.
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, địa phương này hiện có hơn 74% diện tích đất lâm nghiệp. Để hỗ trợ sinh kế cho người dân, từ đó góp phần phát triển kinh tế, xoá nghèo, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp. Thực tế cũng cho thấy, “chìa khoá” cho các mô hình sinh kế giảm nghèo chính ở khu vực biên giới là phát triển kinh tế rừng. Hiện nay, Lạng Sơn đã hình thành các vùng sản xuất tập trung một số loài cây chủ lực, cây gỗ lớn. Bên cạnh đó, công tác phát triển lâm nghiệp gắn liền với việc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới…
Theo Đề án Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2021 - 2025, địa phương này phấn đấu tăng trưởng giá trị của ngành lâm nghiệp đạt 7-7,2%/năm; giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2025 đạt 5.600 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu gỗ, các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 510 tỷ đồng.
* Bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững
Sự “thay da đổi thịt” của các hộ nghèo tại Lạng Sơn chỉ là một trong những "điểm sáng" về nỗ lực giảm nghèo ở Việt Nam. Đổi thay ở địa phương biên giới này cũng chính là phản ánh sinh động sự chung sức, đồng lòng của Đảng, Nhà nước và nhân dân vì người nghèo với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.
Báo cáo của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo mới đây cho thấy, ước tính, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước năm 2023 giảm còn 2,93% và giảm xuống 0,9% vào cuối năm 2025. Năm 2023, ước tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82%, giảm 3,2% và đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Cuối năm 2023 đã có thêm 9 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo sẽ góp phần đạt tiêu chí để được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tổng cộng 10/54 xã, đạt khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% vào cuối năm 2025 theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao…
Để có thành tựu đó, cả hệ thống chính trị đã xây dựng và thực hiện hàng loạt chính sách hướng đến mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững. Trong đó, trọng tâm là ba Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các biện pháp giảm nghèo mới cũng ngày càng chú trọng mục tiêu không chỉ giúp hộ nghèo đủ cơm ăn, áo mặc mà còn bảo đảm để người dân tiếp cận bình đẳng, đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu về y tế, thông tin, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã tập trung hỗ trợ người nghèo, người dân sinh sống ở vùng nghèo, vùng khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống; đồng thời, hỗ trợ các địa bàn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn góp phần giảm nghèo bền vững. Người nghèo đã được cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách cũng như nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập.
Đáng chú ý, đầu tháng 1/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành trung ương, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024. Trong đó, Bộ yêu cầu chỉ đạo tổ chức công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm một cách thực chất, khách quan, công bằng theo quy trình quy định. Bảo đảm kết quả giảm nghèo hàng năm phải phản ánh được mức độ cải thiện các chiều thiếu hụt, tiêu chí dịch vụ xã hội cơ bản, chất lượng cuộc sống của người dân.
Đối với các huyện nghèo, ngoài việc đánh giá kết quả giảm nghèo cần đặc biệt quan tâm đánh giá mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm, riêng đối với 22 huyện nghèo phấn đấu đến năm 2025 thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng 1,8 lần so với năm 2020. Chỉ đạo đổi mới phương thức, cách thức, hoạt động đào tạo nghề; phát triển, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, sinh kế gắn với kết quả về chỉ số tạo việc làm, mức tăng thu nhập, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Đặc biệt, để tiếp tục có những kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững thời gian tới, mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký chứng thực Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Nghị quyết này quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Hạnh Quỳnh