Bình Phước có 41 dân tộc thiểu số khác nhau sinh sống trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố. Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, tập trung ở những xã vùng sâu, biên giới.
Từ năm 2016 - 2018, tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm còn thấp, mỗi năm giảm 1,15%. Tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số trong tổng số hộ nghèo có xu hướng tăng từ 44,37% (năm 2016) lên 52,76% (năm 2018). Đầu năm 2019, tỉnh có 4.545 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm 52,76% tổng số hộ nghèo của tỉnh, chiếm 10,71% tổng số hộ dân là người dân tộc thiểu số.
Trước thực trạng của công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 2019, Bình Phước triển khai thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số để hỗ trợ các chính sách cho hộ nghèo dân tộc thiểu số như nhà ở, nhà vệ sinh, nước sinh hoạt, điện, tiếp cận thông tin, hỗ trợ nông cụ phát triển sản xuất, con giống, cây trồng… nhằm tăng thu nhập cho hộ nghèo dân tộc thiểu số, tạo động lực, điều kiện thoát nghèo bền vững.
Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Phước Phùng Hiệp Quốc, năm 2013 là năm thứ 5 Bình Phước thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số. Với sự phối hợp chặt chẽ, các ngành, các cấp tỉnh đã tập trung nguồn lực hỗ trợ đồng bào nghèo dân tộc thiểu số được tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các chính sách, dự án, các chiều thiếu hụt của gia đình người nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững. Bình Phước đã bố trí ngân sách tỉnh để hỗ trợ đồng bào gần 44,3 tỷ đồng. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, năm 2023, tỉnh giảm 1.344 hộ, đưa số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh xuống còn 574 hộ.
Gia đình chị Thị Út (thôn Thác Dài, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập) là hộ nghèo dân tộc thiểu số được Nhà nước hỗ trợ 150 triệu đồng từ các nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số của tỉnh. Gia đình chị Út đã xây dựng nhà ở kiên cố, khoan giếng, mua một cặp trâu giống làm sinh kế. Nhờ được hỗ trợ đồng bộ các nhu cầu, kết hợp với thu nhập ổn định từ cạo mủ cao su, gia đình đã thoát nghèo bền vững.
Tương tự, chị Điểu Thị Dai (thôn Đắk La, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng) được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở, giếng nước và cặp bò giống với tổng kinh phí hơn 150 triệu đồng từ Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Với sự hỗ trợ đồng bộ của nhà nước, nỗ lực vươn lên của gia đình, cuối năm 2023, hộ chị Thị Dai đã thoát nghèo.
Cùng với Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số, Quỹ “Vì người nghèo” cũng được xem là đòn bẩy trong công tác giảm nghèo bền vững của Bình Phước. Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước Lê Thị Xuân Trang cho biết, từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã hỗ trợ xây dựng 673 căn nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số, trị giá 32,6 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Phước Phùng Hiệp Quốc khẳng định, việc thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững và giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo, tạo được sự chuyển biến tích cực trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, củng cố được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền qua đó tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Thời gian tới, Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý chí tự lực, tự vươn lên của cá nhân từng thành viên trong hộ nghèo, không dựa dẫm, ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Tỉnh tập trung huy động nguồn lực trong nhân dân, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể thực hiện các chính sách, dự án góp phần giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số nhanh và bền vững.
Bình Phước cũng hạn chế việc tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, sinh kế để hỗ trợ người nghèo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững.
Tỉnh tiếp tục hỗ trợ các chính sách cụ thể như: xây dựng nhà ở (xây nhà ở mới và sửa chữa nhà ở); đất ở; nước sinh hoạt (giếng đào, giếng khoan và bồn chứa nước); điện sinh hoạt (điện lưới, điện năng lượng mặt trời đối với những hộ ở xa khu dân cư); nhà vệ sinh; chuyển đổi nghề, sinh kế tạo việc làm tăng thu nhập, hỗ trợ con giống (trâu, bò, dê, gà, vịt, heo); nông cụ phát triển sản xuất… trong đó ưu tiên hỗ trợ các đối tượng nghèo mới.
Nhật Bình