Phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tại Bình Phước, các chủ trương, chính sách chăm lo, đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước ngày càng được triển khai hiệu quả. Qua đó từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, giữa đô thị và nông thôn.

Phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1Phát huy kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng ở Bình Phước. Ảnh: TTXVN

Quyết sách quan trọng

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, dân số toàn tỉnh khoảng 1 triệu người, trong đó gần 20% là người dân tộc thiểu số sống đan xen tại 111 xã, phường, thị trấn. Tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp, chính sách ưu tiên, thực hiện hiệu quả mục tiêu nâng cao, phát triển toàn diện nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số, từng bước nâng cao trình độ dân trí, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước Lý Thành Tâm, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã thực hiện mở rộng hệ thống các trường, lớp ở vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất, trang, thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu đưa trẻ đến trường. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ trẻ em, học sinh, sinh viên tại các trường ở khu vực đặc biệt khó khăn được triển khai đầy đủ theo đúng quy định.

Trong đào tạo, tỉnh đặc biệt quan tâm xây dựng các Trường phổ thông Dân tộc nội trú, xem đây là “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, là tiền đề để con em đồng bào học nghề và quay về địa phương phục vụ, cống hiến. Vì vậy, công tác tuyển sinh được tỉnh quan tâm thực hiện, đảm bảo tỷ lệ của từng thành phần dân tộc thiểu số và theo địa bàn. Việc tuyển sinh đầu vào đối với học sinh Trung học Phổ thông được trọng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số.

Bình Phước hiện có 7 trường Trung học Phổ thông, Trung học Cơ sở dân tộc nội trú, hằng năm đào tạo hàng nghìn học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học Phổ thông Bình Phước được xem là “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số cũng như cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của tỉnh.

Chính sách cử tuyển luôn được tỉnh quan tâm. Trong quá trình bố trí, sử dụng cán bộ, các cấp ủy Đảng luôn chú ý đến đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, căn cứ kết quả tốt nghiệp ra trường của học sinh người dân tộc thiểu số diện cử tuyển, UBND tỉnh bố trí công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố cho 152 sinh viên tốt nghiệp đại học các chuyên ngành đúng vị trí việc làm. Nhiều cán bộ trẻ người dân tộc thiểu số được quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Bình Phước cũng đặc biệt quan tâm đào tạo nghề cho con em đồng bào dân tộc thiểu số để góp phần hỗ trợ đồng bào có việc làm và thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh đã phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn, tổ chức khai giảng nhiều lớp dạy nghề ngắn hạn. Học viên dân tộc thiểu số khi tham gia các lớp dạy nghề của Trung tâm được đào tạo miễn phí. Sau khi hoàn thành khóa học, các học viên đạt tiêu chuẩn được doanh nghiệp phối hợp đào tạo hướng dẫn nộp hồ sơ tuyển dụng vào làm việc.

Với những chính sách thiết thực, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo khoảng 77.800 người, trong đó gần 10.300 người dân tộc thiểu số có bằng cấp, chứng chỉ. Số người dân tộc thiểu số được giải quyết việc làm chiếm gần 16% tổng số người được giải quyết việc làm toàn tỉnh.

 Đầu tư cho giáo dục là giải pháp đột phá

Tại Hội nghị Phát triển Giáo dục - Đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Bình Dương vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị Bộ, các địa phương vùng Đông Nam Bộ, trong đó có Bình Phước triển khai các giải pháp để các dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng. Ngành Giáo dục tham mưu Chính phủ đào tạo giáo viên là người địa phương, có tỷ lệ cơ cấu giáo viên là người dân tộc; quy hoạch, phát triển hợp lý mạng lưới, quy mô các trường Phổ thông dân tộc bán trú, nội trú và Dự bị đại học dân tộc. Ngoài ra, các bộ, ngành, đơn vị đào tạo cần đổi mới phương thức cử tuyển nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng nhấn mạnh sẽ ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với vùng dân tộc thiểu số để đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho mọi người.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, hiện Bình Phước có gần 1.500 cán bộ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. Thực hiện Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 20/3/2019 phát triển đội ngũ cán bộ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số đến năm 2025, số lượng công chức, viên chức người dân tộc thiểu số cần tuyển dụng toàn tỉnh là 1.024 người. Việc tăng cường đầu tư cho giáo dục, đào tạo chính là giải pháp đột phá, then chốt, bền vững giúp cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ chất lượng cao, người tiên phong trong quá trình đổi mới. Ngoài sự đầu tư về cơ sở vật chất cũng như các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, phát huy tính chủ động trong phát triển nguồn nhân lực.

Cùng đó, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ Quản lý nhà nước, Lý luận chính trị, Tin học, Ngoại ngữ, kiến thức quốc phòng - an ninh... cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. Đồng thời, các địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, xây dựng đề án vị trí việc làm, nâng cao tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số ít người trong biên chế, cơ cấu, quy hoạch cán bộ.

Cũng theo bà Trần Tuệ Hiền, hằng năm, tỉnh rà soát, đánh giá cán bộ, xây dựng kế hoạch chọn cử cán bộ dân tộc thiểu số ít người đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực công tác. Bình Phước ưu tiên tuyển chọn những cán bộ dân tộc thiểu số, người địa phương có trình độ chuyên môn từ Trung cấp trở lên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt, cán bộ nguồn. Tỉnh chú trọng đào tạo lại cán bộ theo định kỳ với các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng và theo chức danh, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, năng lực, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước Lý Thành Tâm cho biết địa phương chú trọng nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh đầu vào của các trường Phổ thông dân tộc nội trú nhằm bảo đảm cơ cấu, tỷ lệ các nhóm dân tộc thiểu số tại chỗ và các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực từ khối trường này.

Trong thu hút nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bình Phước Nguyễn Ngọc Hiền cho rằng, hiện nay, các ngành liên quan đang hoàn thiện quy định, quy chế và xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai. Đặc biệt, tỉnh thực hiện các chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, trong đó có người dân tộc thiểu số và sẽ triển khai ngay từ cơ sở đào tạo, thực tiễn công tác; thực hiện chế độ, chính sách thu hút theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngoài ra, Bình Phước còn rà soát, tiếp tục khuyến khích nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có chất lượng và phát triển hỗ trợ đội ngũ lãnh đạo tương lai, góp phần xây dựng đội ngũ nhân lực “vừa hồng, vừa chuyên”. Đồng thời, tỉnh thực hiện đổi mới công tác tuyển chọn, nguồn cán bộ phải là những người có năng lực, có tâm huyết cho sự phát triển chung của địa phương…



Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm