Vùng biên Bình Phước khởi sắc

Đường vào ấp Điện Ảnh, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp khang trang, sạch đẹp - thành quả của chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: baobinhphuoc.com.vn
Đường vào ấp Điện Ảnh, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp khang trang, sạch đẹp - thành quả của chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: baobinhphuoc.com.vn

Tỉnh Bình Phước có đường biên giới dài, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai đã tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, đường giao thông nông thôn kiên cố đã thổi một “luồng gió mới”, thay đổi bộ mặt nông thôn vùng biên.

Vùng biên Bình Phước khởi sắc ảnh 1Đường vào ấp Điện Ảnh, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp khang trang, sạch đẹp - thành quả của chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: baobinhphuoc.com.vn

Sự đổi thay này có thể thấy rõ ở huyện biên giới Bù Đốp khi 19/19 tiêu chí nông thôn mới đã được hoàn thành. Trước đây, tại Bù Đốp, đường giao thông là tiêu chí khó thực hiện nhất, đây cũng là trăn trở của chính quyền và nhân dân ở huyện biên giới. Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, đến nay, các xã của huyện đã hoàn thành tất cả tiêu chí nông thôi mới. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp Trần Văn Thành cho biết, huyện có 7/7 xã, thị trấn đạt 19/19 tiêu chí. Các tuyến đường giao thông nông thôn từ trung tâm xã đến các thôn, ấp đảm bảo đi lại thuận tiện, nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100%. Các tuyến đường thôn, ấp khang trang, sạch đẹp, tạo thuận lợi cho người dân đi lại và giao thương.

Về ấp Điện Ảnh (xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp) vào những ngày đầu năm 2024, sự phát triển hiện rõ qua những ngôi nhà khang trang. Những con đường đất đỏ bụi mù mịt vào mùa nắng, lầy lội vào mùa mưa nay đã không còn. Người lớn, trẻ nhỏ đều phấn khởi khi lưu thông trên những tuyến đường kiên cố và rộng rãi. Gia đình ông Hoàng Văn Sơn cùng nhân dân ấp Điện Ảnh không dấu niềm vui khi các đoạn đường bê tông hóa đã phủ khắp tận ấp, giúp đi lại dễ dàng hơn, phục vụ sản xuất, con em đến trường được thuận lợi hơn. Ông Hoàng Văn Sơn cho biết, trước đây, những con đường vào ấp chưa bê tông, nhựa, đi rất khó khăn. Từ khi đường giao thông được đầu tư xây dựng, bà con di chuyển dễ hơn, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế.

Cùng với các tiêu chí khác, giao thông đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy sự phát triển đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực ở địa phương vùng biên. Hệ thống giao thông thuận lợi đã “kéo” theo nhiều mô hình sản xuất được hình thành, góp phần nâng cao hiệu quả giá thành nông sản, tăng giá trị kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho hộ dân.

Ông Nguyễn Ngọc Trung ở ấp Tân Trạch (xã Phước Thiện) chia sẻ: Người dân nhận thấy rõ sự thay đổi rất lớn từ việc xây dựng nông thôn mới, trong đó có đường giao thông nông thôn. Những đường làng, ngõ xóm, các công trình phúc lợi xã hội được Nhà nước quan tâm. Đời sống nhân dân cơ bản ổn định, thu nhập cao hơn. Từ đó, người dân có thêm động lực phát triển kinh tế, thực hiện nhiều hoạt động khác.

Những cung đường giao thông nông thôn liên ấp, liên xã ở huyện biên giới Bù Đốp đã tạo điều kiện cho người dân, học sinh, nhất là ở vùng sâu có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đi lại an toàn hơn. Ông Trần Văn Ngân (xã Thiện Hưng) phấn khởi: Từ khi có chương trình nông thôn mới, đường xá rất thuận tiện, bà con làm ăn dễ dàng, đời sống ổn định hơn. Những con đường rộng giúp học sinh đến trường được thuận tiện.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp Trần Văn Thành, kết quả trên là nhờ sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác tuyên truyền. Các cán bộ đã đi "từng ngõ, gõ từng nhà" để vận động từng người dân hiểu và hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, bà con đồng thuận từ việc hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp, ủng hộ...

“Thời gian tới, địa phương tiếp tục thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, lấy đời sống nhân dân làm thước đo, lấy sự hài lòng của người dân làm kết quả, hướng tới sự phát triển bền vững trên địa bàn của huyện”, ông Trần Văn Thành nói.

Đường xá khang trang đã và đang giúp bộ mặt nông thôn mới không ngừng đổi thay, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao; đồng thời góp phần tích cực, tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư về khu vực nông thôn.

Tỉnh Bình Phước thực hiện phương châm “Nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”. Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ. Kinh tế tăng trưởng, chuyển biến tích cực. Đời sống nhân dân cải thiện. Không chỉ vùng biên giới, nhiều địa phương trong tỉnh Bình Phước cũng đang từng ngày khởi sắc từ sự chung tay của cả hệ thống chính trị và đóng góp của mỗi người dân.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm