Những cung đường đất đỏ của xã Lộc Khánh (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) nay được “thay áo mới” bằng đường bê tông, xi măng, đường nhựa khang trang. Cùng với cơ sở hạ tầng được nâng cấp, đời sống người dân trong xã ngày càng được nâng cao nhờ những nỗ lực xây dựng nông thôn mới.
Nỗ lực vượt khó
Trước đây, Lộc Khánh là một trong những xã khó khăn của huyện biên giới Lộc Ninh. Xã có 50% người dân là người dân tộc thiểu số, sống chủ yếu nhờ sản xuất nông nghiệp. Theo Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh Trần Quang Vinh, để đạt mục tiêu về nông thôn mới cuối năm 2021, xã gặp nhiều khó khăn; đặc biệt là trong thực hiện tiêu chí về thu nhập và môi trường.
Qua các chương trình hỗ trợ nhiều năm, các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy hiệu quả từ hỗ trợ cây con giống, khuyến nông nên thu nhập đáp ứng tương đối về tiêu chí thu nhập vào cuối năm. Tuy nhiên, tập quán của bà con trong chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh nên tiêu chí môi trường khó đạt được. Thực hiện chủ trương của huyện, xã đã tuyên truyền, hỗ trợ bà con chăn nuôi gia súc trong khu dân cư, thực hiện di dời chuồng trại để nuôi nhốt tập trung, đảm bảo tiêu chí môi trường.
Tại ấp Ba Ven giờ đây không còn cảnh nuôi nhốt trâu, bò cạnh nhà gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con dân tộc thiểu số di dời chuồng trại xa khu dân cư. Đàn trâu, bò hàng trăm con được di dời về nơi nuôi nhốt tập trung đã giúp môi trường khu dân cư sạch sẽ hơn.
Ông Lâm Com (ấp Ba Ven) phấn khởi cho biết, trước kia, chúng tôi thường có thói quen nuôi nhốt gia súc cạnh nhà nên vô tình tạo nên môi trường ô nhiễm. Sau khi được chính quyền địa phương vận động di dời chuồng trại xa khu dân cư, đến nay môi trường sống của bà con không còn mùi hôi thối như trước.
Hơn nữa, “Khu nuôi nhốt tập trung được hỗ trợ xây nền kiên cố bằng xi măng nên chất thải gia súc được gom dễ dàng để phơi khô. Sau khi phơi khô, phân hữu cơ được bà con bón cho cây trồng hoặc bán để có thêm nguồn thu”, ông Lâm Com cho biết thêm.
Cách ấp Ba Ven không xa, tại ấp Cần Lê là khu định canh, định cư của 41 hộ dân, trong đó 95% là người dân tộc thiểu số S’tiêng sinh sống. Trước kia, đây là nơi nghèo khó nhất của xã, việc đi lại rất khó khăn, số hộ có nhà kiên cố và sử dụng điện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đến năm 2018, nơi này được huyện chọn triển khai điểm định canh, định cư cho 41 hộ dân là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu ở huyện Lộc Ninh và thị xã Bình Long.
Đến nay, khu định canh, định cư đã “thay áo mới” với đường xá, đường điện đến những căn nhà kiên cố mọc lên khang trang. Rõ nét nhất là con đường nhựa phẳng lỳ từ trung tâm xã đến khu định canh, định cư đã giúp việc đi lại của người dân rất thuận lợi. Hai bên đường là những ngôi nhà xây khang trang đã mang lại sự phấn khởi cho người dân sinh sống trên quê hương mới.
Ông Điểu Minh, người uy tín ấp Cần Lê cho biết: Người dân nơi đây đã đỡ khó khăn hơn trước. Đường xá, điện về tới ấp nên bà con thuận lợi trong sinh hoạt cũng như sản xuất. Đây là sự quan tâm, chăm lo, hỗ trợ của chính quyền các cấp để bà con có cuộc sống tốt hơn. Đặc biệt, nhờ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, người dân được hỗ trợ nhà ở, cây, con giống, nông cụ, vốn vay… nên đời sống được nâng cao hơn.
Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xã Lộc Khánh đã tập trung chuyển đổi cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, chính quyền xã khuyến khích người dân tăng quy mô sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa lớn và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chú trọng tập huấn khoa học - kỹ thuật, kịp thời đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất.
Điển hình, trong năm vừa qua, mô hình liên kết trồng lúa ST24 theo hướng hữu cơ giữa Hợp tác xã lúa gạo chất lượng xã Lộc Khánh với Hợp tác xã Bom Bo Bình Phước đã đem lại năng suất trung bình đạt từ 5 tấn đến 5,5 tấn/ha/vụ. Giá thu mua lúa cao, đầu ra ổn định giúp người dân có hướng đi mới.
Gia đình ông Lâm Khên ở ấp Chà Đông rất phấn khởi sau khi thu hoạch 1,5 ha lúa thu về hơn 7 tấn. Theo ông, những vụ thu hoạch lúa trước kia dù sản lượng đạt nhưng giá thu mua luôn bấp bênh nên sau khi trừ chi phí, thu về một vụ không nhiều. Từ khi tham gia mô hình trồng lúa giống ST24, vụ thu hoạch đầu tiên sản lượng lúa cũng như số tiền thu về của người dân từ bán lúa đã cao hơn hẳn. Với 1,5 ha, người dân có thể thu hơn 7 tấn lúa. Giá hợp tác xã thu trực tiếp tại ruộng là 7.150 đồng/kg, cao hơn gần 2.000 đồng/kg so với lúa thông thường trước kia.
Khởi sắc nông thôn mới
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thực sự đã thổi luồng gió mới, giúp diện mạo của xã từng bước khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh Trần Quang Vinh cho biết: Xã Lộc Khánh với xuất phát điểm các tiêu chí thấp, nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng nông thôn mới lớn nhưng nguồn lực ngân sách có hạn. Xác định đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống người dân là điều tiên quyết, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế và điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng địa phương để tăng năng suất, hiệu quả lao động. Đến nay, xã đã có 2 hợp tác xã nông nghiệp, 1 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo phát triển bền vững.
Trước đó, năm 2011, Lộc Khánh chỉ đạt 3/19 tiêu chí nông thôn mới. Trong các tiêu chí chưa đạt có những tiêu chí cần nguồn lực đầu tư lớn như: đường giao thông, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường… Tuy nhiên, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đồng lòng, góp sức của nhân dân đã giúp bộ mặt nông thôn của xã Lộc Khánh không ngừng đổi mới toàn diện trên tất cả lĩnh vực.
“Trong 10 năm xây dựng nông thôn mới, xã Lộc Khánh đã tận dụng tối đa các nguồn lực, huy động được trên 235 tỷ đồng để đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội. Trong đó, người dân đã đóng góp bằng tiền, hiến đất, ngày công lao động... tổng trị giá trên 11 tỷ đồng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn. Gần 15km đường xã, liên xã đã nhựa hóa, bê tông hóa; 38,5km đường thôn, xóm được cứng hóa và 65km đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa. Toàn xã có 22,75km đường được công nhận "Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn"”, ông Trần Quang Vinh cho biết thêm.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt trên 46 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 4 lần so với năm 2011. Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động có việc làm đạt 91,8%. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, giáo dục - đào tạo được chú trọng đầu tư. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn xã đạt trên 97%; hộ dân có nhà ở kiên cố, bán kiến cố, chiếm trên 96%... Xã Lộc Khánh hiện không còn hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều). Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát huy hiệu quả, 6/6 ấp trên địa bàn đạt “Khu dân cư văn hóa”, trên 95% hộ gia đình đạt “Gia đình văn hóa”… Đặc biệt, trên 95% người dân hài lòng về xây dựng nông thôn mới.
K GỬIH