Tăng cường hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước

Với gần 20% là người dân tộc thiểu số, tỉnh Bình Phước xác định rõ công tác hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng.

Theo đánh giá của ông Điểu Nen, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, vai trò, vị trí của người phụ nữ, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong việc tham gia các hoạt động xã hội đã được nâng lên so với trước. Tuy nhiên, xét về thực trạng vấn đề giới, vẫn còn những bức xúc trong gia đình như: phụ nữ phải làm những công việc nội trợ là chủ yếu; vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quá trình sinh con, nuôi con, chăm sóc con cái, kế hoạch hóa gia đình; tình trạng bạo lực trong gia đình vẫn còn tồn tại và xảy ra ở một số nơi…

Trước thực trạng này, bằng nhiều giải pháp, từ năm 2018 đến nay, Bình Phước đã giúp trên 85% số hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin về giới và bình đẳng giới. 100% học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú trong tỉnh và các huyện được tuyên truyền về giới, bình đẳng giới, kỹ năng sống, với nội dung, thời lượng phù hợp với lứa tuổi.

b-gia-map.jpg
Huyện Bù Gia Mập truyền thông đến từng người dân về bình đằng giới. Ảnh: dangcongsan.vn

Toàn tỉnh có 407 Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững; 517 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 557 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng và 320 đường dây nóng được hình thành và duy trì… Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì, thực hiện các hội nghị tập huấn, trong đó có nội dung bình đẳng giới cho 1.785 lượt già làng, người có uy tín để làm hạt nhân thực hiện tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn…

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước Điểu Nen, tỉnh chú trọng nêu gương tốt, điển hình tiên tiến trong thực hiện bình đẳng giới, thông tin công khai những vụ việc vi phạm về bình đẳng giới; thực hiện công tác kiểm soát chặt chẽ thông tin, không để các sản phẩm quảng cáo mang nội dung, hình ảnh định kiến giới xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tỉnh tiếp tục duy trì và hoạt động có hiệu quả các đề án, mô hình như: Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, “Phụ nữ khởi nghiệp”, Câu lạc bộ “Bình đẳng giới”, “Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, “Nam giới nói không với bạo lực gia đình”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Bình Phước cho biết, để tăng cường công tác bình đẳng giới, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy công tác bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong đồng bào dân tộc thiểu số và hoàn thành các mục tiêu về bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ về bình đẳng giới trong công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực, địa phương.

Tỉnh xây dựng các nội dung và hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với tâm lý, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số cũng như nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên; huy động hiệu quả các nguồn lực để tổ chức thực hiện hiệu quả các dịch vụ có chất lượng nhằm hỗ trợ cho công tác bình đẳng giới...

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm