Chang chang là loài nhuyễn thể sống trong môi trường nước ngọt vùi mình trong sình bùn ven sông hoặc dưới đáy sông. Loại sò này sống nhiều ở miệt Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, chúng có quanh năm nhưng nhiều nhất là sau Tết Âm lịch, rồi rộ lên từ cuối tháng 3. Nói rộ nhưng số lượng chang chang không nhiều, muốn ăn phải dặn trước người đi mò chừng mấy ngày trước đó.
|
Khi có khách đến thăm, muốn đãi món đặc sản quê mình, chủ nhà phải ngâm chang chang cả đêm cho nhả đất cát, rồi chà sạch lớp rêu bẩn bám bên ngoài. |
|
Chang chang hấp gừng nước dừa là cách chế biến đơn giản nhất. Chỉ cần cho chang chang vào nồi hấp, xắt vài lát gừng, rồi chế nước dừa tươi vào. |
|
Nồi chang chang bắc lên bếp chừng mươi phút thì đã chín. |
|
Thịt chang chang gần giống với thịt nghêu nhưng vị và hương khác hẳn. Phần thịt ngọt dịu và dai hơn nghêu, mùi thơm cũng man mác hương đồng nội. Chang chang hấp gừng rất ngon khi chấm cùng nước mắm chua ngọt pha với gừng. |
|
Chang chang còn được làm gỏi. Chỉ cần thọt cái bắp chuối (hoa chuối), bào sợi, rồi trộn với phần thịt chang chang. Gia vị để trộn gỏi gồm nửa quả chanh, hoặc giấm, đường cát, xíu muối. Thêm vài lát ớt cùng ít rau răm sẽ tròn vị hơn. Tại cồn Tân Thuận Đông, Cao Lãnh (Đồng Tháp), món gỏi chang chang được các đầu bếp xem như là "tân binh sáng giá" của thực đơn ẩm thực miền Tây dùng đãi thực khách phương xa. |
|
Nếu món chang chang hấp mang đến hương vị thuần khiết, món gỏi chang chang lạ miệng, thì thố cháo chang chang được xem như "cái kết có hậu" cho bữa ăn. Thịt chang chang giúp cháo ngọt tự nhiên, mùi chang chang khiến món cháo trở nên đặc biệt hấp dẫn. |
Theo tintucmientay.baoangiang.com.vn