Một nghiên cứu quy mô quốc tế - được công bố trên tạp chí “Giao dịch” của Hiệp hội Truy xuất Thông tin Âm nhạc Quốc tế ngày 10/10 - đã khám phá ra vai trò của thuật toán trong việc xét xử hành vi đạo nhạc.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Đại Dương, nghiên cứu trên được thực hiện bởi một nhóm quốc tế do nhà nghiên cứu âm nhạc Patrick Savage tại Trường Tâm lý học thuộc Đại học Auckland (New Zealand) dẫn đầu.
Các nhà nghiên cứu đề nghị 51 người đánh giá 40 cáo buộc đạo nhạc, sau đó so sánh những đánh giá đó với các đánh giá của thuật toán cũng như các quyết định của tòa án. Kết quả là đánh giá của những người tham gia nghiên cứu phù hợp với các quyết định của tòa án trong 83% số vụ án, so với 75% đối với các thuật toán. Tuy nhiên, đáng lưu ý là một số quyết định của tòa án đã bị các nhạc sĩ, luật sư và thẩm phán chỉ trích mạnh mẽ.
Các nhà nghiên cứu đã thảo luận xem liệu thuật toán tự động có thể mang lại tính khách quan mới cho các quyết định đối với hành vi vi phạm bản quyền âm nhạc hay không, từ đó giúp hạn chế số lượng, quy mô và chi phí của các vụ kiện tại tòa án.
Nhà nghiên cứu Savage cho biết đây là nghiên cứu lớn nhất từ trước đến nay về vai trò của các thuật toán trong việc xác định tình trạng đạo nhạc. Tuy nhiên, theo ông, nghiên cứu này có một hạn chế là dựa trên giả định cơ bản rằng các vụ kiện tại tòa án đã được quyết định chính xác.
Theo nhà nghiên cứu Savage, bất kể hai bài hát giống nhau đến mức nào, nếu nhà soạn nhạc bị cáo buộc đạo nhạc có thể chứng minh rằng họ chưa từng nghe bài hát này trước đó thì sẽ không bị coi là vi phạm bản quyền.
Bên cạnh đó, việc xét xử bằng thuật toán không thể thay thế việc xét xử bằng bồi thẩm đoàn. Mặc dù vậy, nhà nghiên cứu Savage cho rằng những đánh giá khách quan của thuật toán có thể là một công cụ hữu ích để xem xét trước tòa và giúp các nhạc sĩ tránh phát hành những bài hát có những điểm tương đồng ngoài ý muốn.
Thanh Tú