Ươm mầm ước mơ ở những điểm trường vùng cao ở Cao Bằng

Ươm mầm ước mơ ở những điểm trường vùng cao ở Cao Bằng

Có đi, có gặp mới thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của người giáo viên vùng cao. Các thầy, cô giáo không chỉ mang tri thức đến cho học sinh vùng sâu, vùng xa mà họ còn là người cha, người mẹ thứ hai cùng đồng hành với sự trưởng thành của các em trong cuộc sống thường ngày...

Ươm mầm ước mơ ở những điểm trường vùng cao ở Cao Bằng ảnh 1Điểm trường Lũng Đẩy nằm giữa ngọn đồi bao quanh bởi núi rừng. Ảnh: baocaobang.vn

Cách trung tâm huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng khoảng 15 km, điểm trường Lũng Đẩy, xã Quốc Toản là một trong nhiều điểm trường còn khó khăn của tỉnh Cao Bằng. Từ trục đường chính đến điểm trường khoảng 5 km nhưng đường chỉ vừa một xe máy đi, nếu chệch là mất đà, xe trượt dài về phía sau rồi ngã dúi dụi. Đến nơi gửi xe dưới chân dốc, thầy cô đi bộ gần một tiếng đồng hồ mới tới được điểm trường.

Lũng Đẩy là xóm vùng cao nằm khuất sau những dãy núi, nơi đây quanh năm không bắt được sóng viễn thông. Điểm trường có 2 lớp ghép (lớp ghép 1 + 2 + 3 và lớp ghép 4 + 5), 20 học sinh tại đây đều thuộc hộ nghèo, là con em đồng bào dân tộc Mông. Cô giáo Lục Thị Huệ, phụ trách lớp ghép 1 + 2 + 3 (điểm trường Lũng Đẩy) chia sẻ, gia đình cô sống ở thành phố, cứ 6 giờ sáng là cô tất bật, vội vã đến lớp cho kịp giờ học. Những này nắng khô, đường từ trục đường chính đến điểm trường dễ đi hơn. Nói là dễ đi, nhưng nếu ai đi không quen thì ngã xe liên tục. Ngày mưa, cô sẽ để xe dưới chân núi và đi bộ lên đến điểm trường. Học sinh người dân tộc Mông, giao tiếp bằng tiếng phổ thông khó nên khi dạy học cô Huệ phải sử dụng cả tiếng dân tộc Mông hướng dẫn các em. Dù đã có thâm niên 20 năm công tác trong nghề, đã đi nhiều điểm trường khó khăn nhưng theo cô Huệ , điểm trường Lũng Đẩy là đi lại khó khăn nhất. Tuy gian nan nhưng cô giáo Huệ luôn tâm niệm, còn sức khỏe là còn cõng chữ lên non, mang niềm tin về một tương lai tươi sáng cho con em đồng bào dân tộc Mông ở Lũng Đẩy.

Ươm mầm ước mơ ở những điểm trường vùng cao ở Cao Bằng ảnh 2Để vào được điểm trường Lũng Đẩy, các giáo viên phải vượt qua con đường dốc đá đầy bùn đất trơn trượt. Ảnh: baocaobang.vn

Trên hành trình mang tri thức đến cho Điểm trường Lũng Đẩy, cô giáo Hoàng Thị Hạnh tâm sự, không chỉ khó khăn về đường đi, tại điểm trường không có sóng điện thoại, hôm nào đi dạy là các thiết bị điện tử trở nên vô tác dụng. Nhiều khi, các cô giáo ở điểm trường chính muốn liên lạc trao đổi công việc phải đợi đến ngày hôm sau hoặc người nhà có chuyện cần báo gấp cũng phải đợi đến khi hết giờ dạy học ra tới trục đường chính mới liên lạc được. Vì đường đi vất vả nên quanh năm các cô giáo đến trường đều phải đi ủng. Ở điểm trường Lũng Đẩy, giáo viên cùng ăn và nghỉ trưa với học sinh. Sau đó lại lên lớp buổi chiều. Cô Hạnh ngậm ngùi, nhiều khi các cô cũng muốn giầy đẹp, quần áo tươm tất, gọn gàng như ước mơ thời còn trên giảng đường. Thế nhưng được đồng bào Mông ở Lũng Đẩy yêu mến, học sinh cần các cô giáo nên cô Hạnh cùng đồng nghiệp luôn cố gắng để mang niềm tin cho các em, mong muốn tương lai tươi sáng sẽ đến với các em…

Tại Điểm trường Lũng Rượi (thuộc Trường Tiểu học xã Phi Hải, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng), cô giáo Bế Thị Thủy, giáo viên phụ trách lớp lớp ghép 1 + 2 cho biết, mặc dù chỉ cách trung tâm xã khoảng 3 km nhưng điểm trường không có điện. Tại đây có 8 học sinh đều là dân tộc Mông, nhà ở xa trường, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Những hôm trời mưa, lớp học sẽ nghỉ vì học sinh không thể tới lớp được. Dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới cho học sinh ở đây rất khó khăn. Vì không có điện nên cô Thủy phải áp dụng phương pháp dạy học thủ công, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Không có điện cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của cô trò. Mùa hè thì nóng hầm hập. Mùa đông thì rét buốt. Những ngày trời âm u, sương mù còn bay cả vào lớp học, ánh sáng không đủ để dạy học.

Ươm mầm ước mơ ở những điểm trường vùng cao ở Cao Bằng ảnh 3Các cô giáo điểm trường Lũng Rượi trên đường đón các em học sinh đến lớp. Ảnh: baocaobang.vn

Cô Thủy chia sẻ, sau khi ra trường, cô được phân công dạy học tại Trường Tiểu học xã Mông Ân ( huyện Bảo Lâm) 11 năm. Gắn bó với ngôi trường cách nhà hơn 200 km, cô Thủy thấy trân trọng quãng thời gian thanh xuân đã làm được nhiều điều có ý nghĩa cho con em đồng bào ở Mông Ân. Ở điểm trường Lũng Rượi, cô chưa bao giờ thấy nản chí khi nhọc nhằn "cõng chữ lên non". Cô Thủy nhấn mạnh, không có món quà nào hạnh phúc hơn, khi cô nhìn những ánh mắt trẻ thơ háo hức, rạng ngời khi được học con chữ, được học những điều hay lẽ phải, niềm tin, niềm hi vọng bằng sự nhiệt huyết của các thầy, cô giáo vùng cao.

Những lớp học ghép có lẽ chỉ có ở những điểm trường vùng cao. Trong lớp học ghép thường có hai lớp học. Các cô giáo thường phân lớp ra thành hai hướng, phòng học được bố trí các dãy bàn với 2 cái bảng để học sinh các khối lớp quay lưng lại với nhau. Một nửa học kiến thức của chương trình lớp 1, một nửa còn lại học kiến thức của chương trình lớp 2. Khi học sinh lớp 1 học tiếng Việt, thì các em lớp 2 học Toán. Các lớp ghép lớn hơn cũng chia đôi để học, cô giáo sẽ dạy cho hai lớp cùng một lúc. Công việc gấp đôi nên những khó khăn, vất vả cũng nhân đôi. Cô Lương Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phi Hải cho biết, để chương trình giáo dục lớp ghép đạt hiệu quả, các thầy, cô giáo trong trường xây dựng mô hình giảng dạy "Những người thầy nhỏ". Mô hình này là để học sinh giúp đỡ nhau, thầy, cô giáo lựa chọn học sinh có học lực tốt để giúp theo dõi các bạn học tập. Từ mô hình này, các em có năng lực trong tổ chức, quản lý lớp, nhờ vậy, các em sẽ có ý thức hơn trong học tập.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng những thầy, cô giáo vùng cao vẫn đang từng ngày cần mẫn gieo chữ ở những bản làng xa xôi, hẻo lánh để những ước mơ trẻ thơ được gieo mầm. Từ đây, các em sẽ vươn lên thoát khỏi cái đói, cái nghèo, hướng tới tương lai tươi sáng hơn.

Chu Hiệu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm