Quần đảo Trường Sa hiện có 3 trường học gồm: Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa (thị trấn Trường Sa), Trường Tiểu học Sinh Tồn (đảo Sinh Tồn) và Trường Tiểu học Song Tử Tây (đảo Song Tử Tây). Ở nơi xa đất liền, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện học tập thiếu thốn nhưng những ngôi trường “đặc biệt” này luôn có người thầy thầm lặng, cần mẫn gieo chữ nơi đầu sóng...
Trong chuyến công tác đến với Trường Sa mới đây, chúng tôi đã ghi lại những cảm xúc của một người thầy giáo với nhiều cống hiến thầm lặng, đó là thầy Bành Hữu Tình - giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa.
Lần đầu khi được đặt chân lên Trường Sa, quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thầy Tình cho biết, đó là một cảm xúc lâng lâng, khó tả, vừa thiêng liêng vừa tự hào. “Cảm giác lần đầu tiên tôi đến với Trường Sa rất đặc biệt. Không chỉ đặc biệt bởi cảnh vật, khí hậu và con người nơi đây mà còn là một cảm giác vừa thiêng liêng vừa đầy tự hào”, thầy Bành Hữu Tình chia sẻ.
Thầy Bành Hữu Tình cho biết, trước khi ra đảo công tác, thầy đã có thời gian dài giảng dạy tại Trường Tiểu học Suối Cát, huyện Nam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. “Khi có thông tin về việc ứng tuyển giáo viên Tiểu học ra công tác tại quần đảo Trường Sa, tôi đã không ngần ngại viết đơn tình nguyện ra đảo. May mắn đã mỉm cười với tôi khi không lâu sau đó, tôi nhận được tin trúng tuyển làm giáo viên Tiểu học tại Trường Sa”, thầy vui vẻ cho biết.
Theo thầy Tình, khác với giảng dạy ở đất liền, trên đảo, thầy được phân công dạy các cháu học sinh ở nhiều trình độ, nhiều lứa tuổi, bậc học khác nhau trong một lớp học ghép. Thời gian đầu, thầy gặp đôi chút khó khăn trong việc tổ chức một lớp ghép nhưng sau một thời gian, công việc dạy học của thầy và trò Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa dần trở nên nề nếp.
Ngoài những tiết học chính khóa trong lớp theo chương trình của Bộ Giáo dục, thầy Tình thường lồng ghép thêm các tiết hoạt động ngoại khóa, qua đó giáo dục tình yêu quê hương đất nước, yêu biển đảo cho học sinh như các hoạt động tham quan phòng truyền thống của đảo, chương trình sinh hoạt tại bãi biển, hướng dẫn làm hoa bằng vỏ ốc và san hô để tặng cán bộ khi ra thăm đảo...
“Công tác ở đảo, tôi đã nhận được sự quan tâm, động viên rất lớn từ chính quyền, các hội, đoàn thể thị trấn Trường Sa, các đơn vị đóng quân trên đảo và đặc biệt là sự quan tâm của phụ huynh học sinh. Tất cả đều tạo mọi điều kiện giúp đỡ trường cũng như thầy, trò trong mọi hoạt động. Chính vì thế, đây là những thuận lợi để tôi yên tâm truyền đạt cho các cháu những kiến thức tốt nhất mà mình đã được đào tạo”, thầy Bành Hữu Tình cho biết.
“Mỗi ngày, chúng con đến trường và được thầy Tình truyền đạt những kiến thức bổ ích. Ngoài giờ học trên lớp, thầy thường tổ chức cho chúng con những buổi sinh hoạt ngoài trời, dạy chúng con về tình yêu quê hương đất nước, tập cho chúng con những bài hát về biển đảo rất hay”, em Nguyễn Văn Quân, học sinh Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa chia sẻ.
“Tôi nghĩ, không chỉ với bản thân tôi mà tất cả mọi người con Việt Nam, ai cũng mong muốn một lần được đến với Trường Sa, đặc biệt là được sinh sống, cống hiến và làm việc nơi mảnh đất thiêng liêng nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Tôi muốn nhắn nhủ với tất cả các bạn đồng nghiệp trong đất liền là để cảm nhận hết tất cả những điều mà lâu nay chúng ta chỉ được nghe, nhìn thấy qua báo, đài về Trường Sa, chúng ta hãy một lần đến với Trường Sa để được trải nghiệm và được cống hiến”, thầy Bành Hữu Tình cho biết.
Dù thời tiết, khí hậu trên đảo khắc nghiệt, Trường Sa hôm nay đã khoác lên mình màu xanh của biển, của những cây phong ba, bàng vuông, mù u tít tắp. Cuộc sống của người dân trên đảo Trường Sa đang ngày càng sung túc, cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, sạch đẹp hơn.
Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, cho biết, quân dân huyện Trường Sa luôn quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, chủ động, đoàn kết thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng đảo mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về tình đoàn kết quân dân.
Phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất của bao thế hệ cha ông đi trước, thầy và trò Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa quyết tâm tiếp tục dạy tốt, học tốt, để những công dân “nhí” hôm nay sẽ trở thành những người thầy, những người thầm lặng gieo chữ nơi đầu sóng Trường Sa cho những lớp đàn em mai sau.
Sỹ Tuyên