Hiện nay, nhiều hộ dân trồng dừa tỉnh Bến Tre ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phòng trừ sâu hại trên cây dừa, giúp quản lý tốt dịch bệnh và tiết kiệm chi phí sản xuất.
Nếu như trước đây khi phun thuốc cho 7.000m2 đất trồng dừa của gia đình, ông Nguyễn Văn Út, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) phải mất 2-3 ngày mới hoàn thành. Bên cạnh đó, do dừa quá cao lượng thuốc dễ bám vào người gây nguy hiểm cho người phun.
Ông Út cho biết, trước đây khi phun thuốc cho dừa bản thân ông phải tự phun, hoặc thuê mướn với giá 2.000 đồng/cây dừa. Nhưng hiệu quả không cao, do phun từ dưới lên nên lượng thuốc phun không đều khắp cây dừa, thuốc dễ bay dính vào người. Khi thấy các nơi khác thuê máy bay điều khiển (drone) để phun thuốc, ông Út mạnh dạn áp dụng cho vườn dừa của mình.
Ông Út cho hay, sử dụng máy bay phun thuốc cho dừa giúp rút ngắn thời gian phun, thuốc được trải đều trên đọt, tán cây, giá thành rẻ hơn nhiều so với phun thuốc thủ công, phun thuốc bằng máy bay có giá 35.000 đồng/1.000m2.
Cùng với đó, do điều khiển từ xa nên thuốc không bay vào người. Ngoài ra, sử dụng các thuốc sinh học nên hạn chế ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Ông Út chia sẻ, với tình hình ảnh hưởng sâu đầu đen, các loại sâu hại khác trên cây dừa, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nông dân an tâm hơn khi chăm sóc vườn dừa của mình.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, ngoài biện pháp ứng dụng các thiết bị hiện đại để phun xịt thuốc, nhiều hộ dân sử dụng các loại máy phun thuốc áp lực cao, sử dụng thuốc sinh học để diệt sâu trên cây dừa cho hiệu quả cao. Huyện Mỏ Cày Nam có hơn 50ha diện tích đất trồng dừa bị nhiễm sâu đầu đen, việc kiểm soát dịch hại bằng phun xịt thuốc sinh học cho kết quả khả quan. Sau hơn 1 tháng tốc độ lây lan giảm, dừa ít bị sâu gây hại hơn trước. Trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc, bên cạnh biện pháp dùng thuốc hóa học thì Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện đang hướng đến việc dùng biện pháp nhân nuôi ong ký sinh và bọ đuôi kìm phòng trừ sâu đầu đen.
Sau hơn 1 năm dịch bệnh tấn công, đến nay toàn tỉnh Bế Tre ghi nhận hơn 513ha diện tích vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại. Trong đó, diện tích nhiễm nhẹ chiếm 206ha, trung bình là trên 214ha, nhiễm nặng lên tới 98ha, trong đó huyện Bình Đại bị ảnh hưởng nhiều nhất 140ha, Chợ Lách 105ha, Mỏ Cày Nam trên 75ha… Nhờ tích cực áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong phòng trừ sâu đầu đen gây hại cho dừa, diện tích vươn dừa gay hại đang đàn hồi phục, còn khoảng 300 ha vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Võ Văn Nam cho biết: Ngành nông nghiệp đã khuyến cáo hướng dẫn người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phòng trừ sâu hại cho dừa. Trong đó sử dụng các thiết bị chuyên dùng như máy bay không người lái để phun xịt thuốc, sử dụng các chế phẩm sinh học ít gây hại đến môi trường, nhân thả nuôi các loài thiên địch để tấn công sâu hại bảo vệ cây trồng.
Theo ông Nam tại huyện Chợ Lách tiến hành phun thuốc sinh học bằng máy bay không người lái trên diện rộng hơn 100 ha nhằm hạn chế sâu hại lây lan. Các huyện khác khuyến khích nông dân chủ động sử dụng các thiết bị hiện đại để phun thuốc sinh học, an toàn cho người và môi trường xung quanh. Ngoài ra, triển khai nhân nuôi 2 loài ông ký sinh (có tên khoa học là Habrobracon hebetor và Trichospilus pupivorus) cho Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật 8 huyện nhằm dùng thiên địch tiêu diệt loài sâu đầu đen gây hại này. Hiện đã nhân nuôi, phóng thích khoảng trên 100 ngàn con ong ký sinh ra các huyện trên địa bàn tỉnh.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để khôi phục vườn dừa cho người dân, đến nay nhiều diên tích dừa bị sâu đầu đen tấn công được phục hồi tốt.
Theo ông Nam, dừa là cây trồng chủ lực của tỉnh, kinh tế người dân sống nhờ vào cây dừa. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh tổng lực dập dịch bằng nhiều giải pháp hiệu quả, giúp bà con khôi phục vườn dừa, đảm bảo cho bà con ổn định cuộc sống, an tâm bám trụ với cây dừa.
Huỳnh Phúc Hậu