Trà Vinh ngăn chặn sâu đầu đen gây hại trên cây dừa

Sâu nhả tơ, làm kén khép trong hai mép lá dừa rất khó phát hiện. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền – TTXVN
Sâu nhả tơ, làm kén khép trong hai mép lá dừa rất khó phát hiện. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền – TTXVN

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang tập trung nhiều giải pháp ngăn chặn sâu đầu đen gây hại cây dừa lây lan và phát tán trên diện rộng.

Trà Vinh ngăn chặn sâu đầu đen gây hại trên cây dừa ảnh 1Sâu nhả tơ, làm kén khép trong hai mép lá dừa rất khó phát hiện. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền – TTXVN

Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, đây là đối tượng dịch hại mới xuất hiện và rất nguy hiểm, có khả năng gây thiệt hại trên cây dừa giai đoạn sinh trưởng trên 70% và thiệt hại khoảng 80% năng suất. Khi bị sâu đầu đen tấn công, tàu dừa cháy khô từ những lá già bên dưới, dần lên các lá bên trên và các tàu lá non trên ngọn. Sâu cạp biểu bì mặt dưới lá, thải phân và nhả tơ kết thành tổ như tổ mối để trú ẩn. Khi bị động chúng chui vào trong tổ hoặc nhả tơ xuống đất. Sâu non tấn công cả trái dừa, cây mới trồng đến cây trưởng thành, tấn công cả nhóm dừa cao và dừa lùn.

Trước đó, dịch hại sâu đầu đen trên cây dừa đã lây lan nhanh chóng tại các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Tiền Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ. Tại Trà Vinh, đầu tháng 9/2021, xuất hiện sâu đầu đen trên vườn dừa của 4 hộ dân tại ấp Cao Một, xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần với diện tích thiệt hại 2,7 ha, mức gây hại từ 60 - 70%.

Theo ông Lê Trường Sơn, Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh), ngay sau khi phát hiện sâu đầu đen gây hại trên cây dừa xuất hiện tại Trà Vinh, Chi cục đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần và địa phương hỗ trợ nhà vườn xử lý. Lực lượng chuyên môn đã chặt và tiêu hủy các tàu dừa bị hại nặng, phun xịt thuốc Ematin 60EC với hoạt chất Emamectin benzoate 60g/lít, liều lượng phun 1 lít thuốc/ha lên toàn bộ diện tích bị sâu tấn công và phun xịt thêm 7,2 ha dừa của 13 hộ lân cận để tránh lây lan. Sau 4 ngày phun thuốc, tỷ lệ sâu chết trên 90%.

Để ngăn chặn sâu đầu đen lây lan, phát tán trên diện rộng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo lực lượng chuyên môn tiếp tục tuyên truyền tập huấn, hướng dẫn nông dân cách nhận diện, điều tra phát hiện sâu đầu đen gây hại; kiểm tra, phát hiện sự xuất hiện của sâu đầu đen và có biện pháp xử lý, ngăn chặn theo hướng dẫn tạm thời số 96/HD-SNN ngày 24/5/2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện và ngăn chặn sâu đầu đen gây hại trên cây dừa. Khi phát hiện sâu đầu đen, nhà vườn cần cắt tỉa và tiêu hủy tàu lá hoặc lá bị sâu gây hại bằng cách đốt hoặc vùi xuống nước; đồng thời, không nên vận chuyển cây dừa giống, các cây ký chủ phụ như cau, chuối và trái dừa bị nhiễm sâu đầu đen sang các vùng khác để hạn chế sự lây lan.

Tỉnh Trà Vinh có tổng diện tích trồng dừa 23.698 ha với sản lượng hằng năm khoảng 306.885 tấn, tập trung chủ yếu tại các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành; trong đó, huyện Càng Long có 7.664 ha, Tiểu Cần 5.355 ha, Châu Thành 3.659 ha...

Thanh Hòa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm