Ngành Nông nghiệp đã từng bước chuyển đổi số, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến để chuyển sang "bứt phá" nền kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp nhận thức được sự quan trọng của việc định vị thị trường, sản xuất theo yêu cầu của thị trường và đã chuyển sang tư duy mới từ tăng trưởng sản lượng đến tăng trưởng chất lượng, từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng đa giá trị để tăng giá trị gia tăng.
Năm 2022, ngành Nông nghiệp đã cán đích ngoạn mục với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vượt 54 tỷ USD, khẳng định vai trò trụ đỡ, đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước.
Đặc biệt, nhiều vùng trên cả nước đã có những mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô chưa lớn nhưng phát huy được giá trị văn hóa bản địa, mang lại giá trị kinh tế cao. Tư duy của doanh nghiệp kinh doanh nông sản bắt đầu thay đổi. Đây tiếp tục là tín hiệu mừng cho ngành Nông nghiệp bứt phá trong thời gian tới. Doanh nghiệp nông nghiệp đã từng bước chuyển đổi để hướng tới thị trường cấp cao, tư duy thị trường đã bắt đầu "bén rễ", chuyển từ bán cái mình có sang bán cái thị trường cần, hướng đến chất lượng sản phẩm và đáp ứng tiêu chuẩn theo từng thị trường như thị trường Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc…
Thực tế, mỗi thị trường có yêu cầu khác nhau, Việt Nam cần ứng dụng khoa học và công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn của từng thị trường. Tùy theo yêu cầu của từng thị trường, cơ quan chức năng hướng dẫn người nông dân sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn ngay từ khâu chọn giống, ứng dụng quy chuẩn canh tác để chuẩn hóa chất lượng nông sản phù hợp, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia; tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho biết: Sự thay đổi trong tư duy hướng đến phát triển bền vững và có trách nhiệm của doanh nghiệp đã dẫn đến tư duy đường dài của người nông dân khi họ liên kết với doanh nghiệp để hình thành từng vùng nguyên liệu. Chuỗi liên kết tiếp tục lớn mạnh, hình thành một cách tự nhiên. Sự liên kết giữa doanh nghiệp với nhiều nông dân tạo ra, hình thành các vùng nguyên liệu lớn, ổn định và phát triển lâu dài.
Năm 2023, các chuyên gia ngành nông nghiệp dự đoán là năm khó khăn tiếp tục kéo dài, bởi lạm phát toàn cầu sẽ lan đến những khu vực có độ trễ, quy chuẩn và tiêu chuẩn của thị trường ngày càng khắt khe hơn. Việt Nam phải chủ động thích ứng, làm quen với những chuẩn mực của thế giới. Các nhà nhập khẩu thế giới không chỉ đánh giá sản phẩm nông nghiệp qua chất lượng và giá cả sản phẩm mà qua "lăng kính" hướng đến phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Các thị trường xuất khẩu xem xét quy trình canh tác nông sản có gây ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên, có phá rừng, có gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, gây hiệu ứng nhà kính.... Thực tế như con tôm, con cá không chỉ chất lượng, giá tốt, nhà nhập khẩu còn quan tâm đến quy trình đánh bắt và quy trình này có vi phạm luật pháp quốc tế về đánh bắt thủy sản hay không... Việc truy xuất nguồn gốc thủy hải sản hay nông sản của nhà nhập khẩu là cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt phải chú trọng đến tiêu chuẩn, quy chuẩn và sở hữu trí tuệ liên quan đến truy xuất nguồn gốc.
Trước đây, nông sản của nước ta chủ yếu là xuất khẩu thô. Việt Nam còn nhiều dư địa trong chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm. Do vậy, doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu phải chú trọng đến tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm và phải "dấn thân" hơn nữa, hướng đến phát triển nền nông nghiệp có trách nhiệm, phát triển bền vững.
HL