Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên

Ngày 23/5, tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề "Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên".

vna_potal_ung_dung_co_gioi_hoa_trong_san_xuat_nong_nghiep_vung_nam_trung_bo_-_tay_nguyen_7391644 (1).jpg
Máy gieo sạ, cấy lúa công nghiệp được giới thiệu tại Diễn đàn. Ảnh: Đinh Hương -TTXVN

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp là đưa những máy nông nghiệp mới trong canh tác và chế biến nông sản phù hợp với hiện thực của nông nghiệp nông thôn, bằng các giải pháp công nghệ thích nghi, hiện đại và thông minh hơn nhằm đưa nông nghiệp sản xuất có hiệu quả ở trình độ sản xuất và quản lý cao hơn, cụ thể với các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, diêm nghiệp. Đây là "chìa khóa" để nâng cao giá trị gia tăng sản xuất nông nghiệp, giảm sức lao động và chi phí đầu tư.

Vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên đồng ruộng manh mún, sản xuất theo phương thức cá thể nên rất khó để áp dụng cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất. Tuy nhiên, giai đoạn 2011 – 2023, số lượng các loại máy trong sản xuất nông nghiệp tại khu vực vẫn tăng nhanh. Cụ thể, số lượng máy kéo các loại tăng 60%; máy bơm nước tăng 60%; máy gặt đập liên hợp tăng 80%; máy sấy nông sản tăng 30%; máy chế biến thức ăn gia súc tăng 91%; máy chế biến thức ăn thủy sản tăng 2,2 lần và máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 3,5 lần.

Ứng dụng cơ giới hoá đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng, ổn định của ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới như: giá trị gia tăng toàn ngành bình quân đạt từ 2 - 3% năm; năng suất lao động bình quân của người lao động bình quân đạt 16,6 triệu đồng năm 2010 tăng lên 52,7 triệu đồng năm 2020 (tăng 3,17 lần); năm 2021 có khoảng 14.400 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, gần 19.000 hợp tác xã nông nghiệp; xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản năm 2010 đạt 15,26 tỷ USD đã tăng lên 48,6 tỷ USD năm 2021.

vna_potal_ung_dung_co_gioi_hoa_trong_san_xuat_nong_nghiep_vung_nam_trung_bo_-_tay_nguyen_7391649.jpg
Máy phun thuốc được giới thiệu tại Diễn đàn. Ảnh: Đinh Hương -TTXVN

Tại diễn đàn, các địa biểu đã được nghe báo cáo thực trạng, giải pháp, cơ chế chính sách phát nhằm phát triển, tăng cường áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta cũng như cụ thể tại các tỉnh, thành trong vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết, mức độ cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp trong một số khâu tại Quảng Ngãi còn ở mức thấp, không đồng đều.

Đến năm 2024, theo thống kê thì tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt khoảng hơn 90%, khâu gieo sạ còn thấp, khâu phun thuốc bảo vệ thực vật khoảng 50%, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp khoảng 80%.

vna_potal_ung_dung_co_gioi_hoa_trong_san_xuat_nong_nghiep_vung_nam_trung_bo_-_tay_nguyen_7391642.jpg
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Đinh Hương -TTXVN

“Do đó, diễn đàn là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học cùng bà con nông dân giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc triển khai, áp dụng ngày càng sâu rộng cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển nông nghiệp bền vững”, ông Phương nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn các đại biểu cũng được theo dõi phần trình bày về "Giải pháp sạ cụm và sạ cụm – vùi phân trong canh tác lúa"; "Kết quả ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại Hợp tác xã Nông nghiệp Đức Tân – Bài học kinh nghiệm từ quá trình triển khai" do Hợp tác xã nông nghiệp Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng ngãi trình bày. Điểm mới của Hợp tác xã Nông nghiệp Đức Tân là thực hiện đồng bộ các khâu cơ giới hóa từ khâu làm đất, chọn giống, khâu làm mạ khay, cấy, thu hoạch.

Phát biểu kết luận tại diễn đàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh nhấn mạnh, để đẩy mạnh quá trình cơ giới hóa trong nông nghiệp cần phải tạo ra một cách làm mới, kỹ thuật mới mà; trong đó, các hộ dân phải thống nhất từ khâu chọn giống, làm đất, thời điểm gieo sạ đến khâu thu hoạch và chăm sóc cây trồng theo một hướng dẫn chung của hợp tác xã. Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất hết sức cần thiết, nhưng quan trọng phải do người dân hợp tác, liên kết, chính quyền địa phương nên là "trọng tài" để các chủ máy có sự hoạt động thống nhất.

vna_potal_ung_dung_co_gioi_hoa_trong_san_xuat_nong_nghiep_vung_nam_trung_bo_-_tay_nguyen_7391657.jpg
Đại biểu báo cáo tại Diễn đàn. Ảnh: Đinh Hương -TTXVN

"Các ý kiến góp ý tại diễn đàn sẽ được Ban tổ chức tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để tham mưu triển khai thực hiện áp dụng cơ giới hoá đồng bộ và công nghệ cao, tạo vùng sản xuất hàng hóa lớn tập trung, giảm sức lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích trong thời gian tới", ông Thanh nhấn mạnh.

Đinh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm