Ngày 24/6, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cho biết cơ quan này khuyến nghị bổ sung Stonehenge, di tích nổi tiếng từ thời tiền sử của Anh, vào danh sách di sản thế giới đang bị đe dọa.
UNESCO đưa ra khuyến nghị như vậy sau khi Chính phủ Anh hồi tháng 7 năm ngoái phê duyệt dự án trị giá 1,7 tỷ bảng Anh (2,2 tỷ USD) xây dựng đường hầm gần di sản thế giới nằm ở phía Tây Nam nước này, bất chấp nỗ lực ngăn chặn của các nhà vận động. Kể từ năm 2017, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO cũng đã nhiều lần đưa ra khuyến nghị đối với Chính phủ Anh về dự án này. Các chuyên gia đã cảnh báo về “tác hại vĩnh viễn, không thể khắc phục” đối với khu vực này nếu đường hầm được xây dựng.
Tuy nhiên, Chính phủ Anh nhấn mạnh vai trò của đường hầm giúp giảm bớt tình trạng tắc nghẽn trên tuyến đường chính đến phía Tây Nam nước Anh, nơi đặc biệt đông đúc trong thời gian cao điểm nghỉ lễ.
Theo UNESCO, khuyến nghị của cơ quan này đưa Stonehenge vào danh sách di sản đang bị đe dọa “nhằm huy động sự ủng hộ của quốc tế". Khuyến nghị này sẽ phải được các quốc gia thành viên của Ủy ban Di sản thế giới biểu quyết tại cuộc họp ở New Delhi vào tháng 7 tới và có khả năng khuyến nghị này sẽ được thông qua.
Stonehenge được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 1986. Được xây dựng trong nhiều giai đoạn trong khoảng từ năm 3.000 đến năm 2.300 trước Công nguyên, Stonehenge là một trong những di tích cự thạch thời tiền sử quan trọng nhất thế giới về quy mô, bố cục tinh xảo và độ chính xác về kiến trúc. Stonehenge là một quần thể những cột đá lớn xếp thành vòng tròn và được mệnh danh là "trận đồ đá khổng lồ". Việc UNESCO đưa Stonehenge vào danh sách di sản thế giới đi kèm với nỗ lực bảo tồn những giá trị của địa điểm này.
Năm 2021, UNESCO đã đưa thành phố cảng Liverpool ở Tây Bắc nước Anh ra khỏi danh sách các di sản thế giới, sau khi các chuyên gia của tổ chức này kết luận rằng việc phát triển các dự án bất động sản mới tại thành phố cảng này đã gây tổn hại quá lớn đối với tính toàn vẹn của di sản.
Hoàng An