Ước tính mỗi năm có khoảng 19 triệu ca tử vong sớm xuất phát từ các rủi ro có liên quan đến môi trường, cơ sở hạ tầng và việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Khai thác tài nguyên cũng được xác định là nguyên nhân hàng đầu gây mất đa dạng sinh học trên toàn cầu. Điều này đã dẫn đến một thực tế là ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới xem xét lại mô hình phát triển kinh tế của mình.
Trong buổi lễ công bố tài liệu trên, Chủ tịch Quỹ quốc tế về Môi trường Zayed, ông Mohamad Ahmed Bin Fahad (Mô-ha-mát A-mét Bin Pha-hát) nhấn mạnh “kể từ Hội nghị LHQ về phát triển bền vững tại Rio, Brazil tháng 6/2012 (Rio + 20), ngày càng có nhiều quốc gia lựa chọn thực hiện con đường chuyển đổi hướng đến nền kinh tế xanh toàn diện”.
Theo UNEP, nền kinh tế xanh toàn diện là một nền kinh tế có hàm lượng carbon thấp, hiệu quả và sạch trong sản xuất nhưng cũng phải toàn diện, dựa trên sự chia sẻ, hợp tác, đoàn kết, khả năng tái phục hồi, cơ hội và phụ thuộc lẫn nhau. Cuốn cẩm nang nhằm cung cấp một khuôn khổ chung để phân tích các vấn đề kinh tế xanh toàn diện, như đầu tư vào công nghệ sạch và các chính sách cho phép đầu tư.