Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao, đưa Tuyên Quang phát triển toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc, tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện nhiều giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Theo đó, tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả Đề án phát triển nguồn nhân lực Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; đẩy mạnh phối hợp giữa các ngành và các cấp trong quản lý nguồn nhân lực; tăng cường vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp và các sở, ban, ngành trong việc theo dõi, quản lý nguồn nhân lực tại địa phương, đơn vị và dự báo, xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phù hợp với điều kiện thực tế. Tỉnh chú trọng nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường nhân lực đáp ứng yêu cầu Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với khả năng suy giảm, mất đi của một số ngành nghề cũng như sự xuất hiện mới của những ngành nghề trong tương lai. Đồng thời, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; chú trọng chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; quan tâm phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực toàn diện về thể lực, tri thức, kỹ năng, hành vi và ý thức chính trị - xã hội; chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động.
Bên cạnh đó, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu chức danh và vị trí việc làm; quan tâm đến cán bộ, công chức trẻ có năng lực được đào tạo bài bản; xây dựng kế hoạch cụ thể phát triển nhân lực một số ngành, lĩnh vực đặc thù (Công nghệ thông tin, Du lịch, Giáo dục và Đào tạo…). Tỉnh tiếp tục rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về tỉnh công tác; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa để tăng cường huy động các nguồn vốn cho phát triển nhân lực…
Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ, tạo môi trường thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phát, chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tăng cường công tác phối hợp giữa Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh với các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, chuyên môn công nhân, người lao động..
Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 72%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ trên 30% lực lượng lao động; tạo việc làm cho trên 110.000 lao động. Cơ cấu nhân lực trong các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần lao động ngành nông nghiệp, thủy sản, tăng dần lao động ngành công nghiệp, dịch vụ: Nông, lâm nghiệp thủy sản 42%, công nghiệp, xây dựng 26%, dịch vụ 32%. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ đạt 50%; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đi mẫu giáo đạt 100%; tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi: Tiểu học 100%, Trung học cơ sở 99%, Trung học phổ thông 88%. Ngoài ra, 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên (trừ chức danh Chủ tịch hội cựu chiến binh), trong đó 90% có trình độ cao đẳng, đại học..
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu từ nay đến năm 2025: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt trên 8%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 2 – 2,5%/năm…
Vũ Quang Đán