Ngày 27/4, UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức hội nghị biểu dương người có uy tín và người dân tộc thiểu số tiêu biểu lần thứ nhất. Dự hội nghị có các đồng chí: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hà Thị Khiết; lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang...
Những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc của tỉnh đã phát huy vai trò, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Họ là những hạt nhân nòng cốt đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến từng thôn, bản, tổ nhân dân và hộ gia đình... Trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, người có uy tín đã tích cực vận động cộng đồng tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động nguồn lực xây dựng nhà văn hóa, làm mới, nâng cấp tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã… Từ năm 2011-2020, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đóng góp gần 1.280 tỷ đồng cùng với nguồn lực Nhà nước, hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch xây dựng nông thôn mới đã đề ra…
Tỉnh Tuyên Quang quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt công tác lựa chọn, công nhận và thực hiện chính sách đối với người có uy tín. Các chính sách dân tộc được cụ thể hóa, thể chế hóa bằng chương trình, dự án triển khai hiệu quả... Nhờ đó đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng cải thiện, bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc luôn có vai trò đặc biệt quan trọng. Từ đó đề ra nhiều giải pháp, ưu tiên nguồn lực đầu tư, hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi…
Ông Hầu A Lềnh đề nghị, thời gian tới, Tuyên Quang tiếp tục chỉ đạo, cụ thể hóa các chương trình, đề án, chính sách dân tộc có hiệu quả. Đặc biệt chú trọng việc thực hiện Nghị quyết 88//2019/QH14 của Quốc hội về phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; tạo điều kiện để cơ quan làm công tác dân tộc phát huy vị thế, vai trò trong việc thực hiện chính sách dân tộc.
Cơ quan làm công tác dân tộc tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách dân tộc; thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm của người có uy tín, từ đó tham mưu các cấp, ngành điều chỉnh chính sách (nếu có).
Người có uy tín, người dân tộc thiểu số tiêu biểu cùng các cấp, ngành tăng cường tuyên tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước... Thời gian tới, người có uy tín vận động nhân dân tham gia tích cực vào cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.
Cũng tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm cho biết, những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đạt được trong thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của người có uy tín và người dân tộc thiểu số.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, cấp ủy, chính quyền cơ sở tiếp tục quan tâm, thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, khẩn trương triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10%, cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn...
Dịp này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trao 3,5 tỷ đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ nhân dân Tuyên Quang xây dựng nhà đại đoàn kết. Ban Tổ chức đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 10 tập thể, 160 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách dân tộc, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2016-2020).
Quang Cường