Tuyên Quang là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, với 22 dân tộc cùng sinh sống. Để phát huy tinh thần làm chủ, trách nhiệm, tích cực tham gia của đồng bào các dân tộc thiểu số khi lựa chọn những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng tham gia vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026, tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình và sẵn sàng tham gia Ngày Bầu cử.
Ông Trần Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) cho biết: Toàn xã có 680 hộ dân, trong đó trên 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mông. Để thực hiện tốt tuyên truyền về cuộc bầu cử, Ủy ban Bầu cử xã đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Bầu cử phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã… xuống tận thôn, bản tuyên truyền về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND , Luật Tổ chức chính quyền địa phương; treo pa nô, áp phích và tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh của xã, thôn. Với những thôn vùng sâu vùng xa, dân cư thưa, địa bàn rộng, xã cử cán bộ văn hóa đến tận nơi tuyên truyền bầu cử bằng hệ thống loa di dộng. Đặc biệt, với đặc thù là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, địa phương đã vận động, giao trách nhiệm cho những người có uy tín trong thôn, bản tuyên truyền đến bà con bằng tiếng nói của đồng bào để dễ tiếp thu hơn…
Bà Giàng Thị Chía, Bí thư Chi bộ - người uy tín của đồng bào Mông ở thôn Ngòi Khù, xã Đạo Viện chia sẻ: Thôn hiện có 35 hộ dân với 99 cử tri, 100% là dân tộc Mông. Để tuyên truyền hiệu quả về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, thôn đã tiến hành họp toàn thôn để tuyên truyền đến bà con. Ngoài tuyên truyền bằng tiếng phổ thông, bà còn tiến hành tuyên truyền bằng tiếng Mông. Không chỉ tuyên truyền trong các cuộc họp, bà đã đến từng hộ dân để nói chuyện. Tranh thủ lúc đi nương rẫy, bà cũng kết hợp lồng ghép tuyên truyền về cuộc bầu cử… Qua đó, hiện nay tất cả cử tri trong thôn đã hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình trong cuộc bầu cử sắp tới.
Là người dân ở thôn Ngòi Khù, xã Đạo Viện, ông Sùng Seo Páo (dân tộc Mông) cho biết, được cán bộ thôn, cán bộ xã tuyên truyền, ông đã hiểu rõ ý nghĩa quan trọng của cuộc bầu cử, tham gia bầu cử chính là thực hiện quyền và nghĩa vụ của cử tri. Đi bỏ phiếu là góp phần bầu ra người có tài, đại diện cho người dân đưa ra những chính sách phát triển… giúp những người dân ở vùng sâu vùng xa vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, thông tin về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã đến được với tất cả người dân trên địa bàn xã Đạo Viện, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Xã có 1.831 cử tri, có 6 khu vực bỏ phiếu. Mọi công tác chuẩn bị cho Ngày Bầu cử được xã gấp rút triển khai, cơ bản hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra.
Bà Giàng Thị Dủ, dân tộc Mông, thôn Ngòi Rịa, xã Đạo Viện đã đến điểm niêm yết danh sách các ứng cử viên để tìm hiểu. Bà chia sẻ, thấy có rất nhiều ứng cử viên là người dân tộc thiểu số, bà hy vọng, các ứng cử viên sau khi trúng cử sẽ quan tâm hơn nữa đến đồng bào dân tộc ở vùng khó khăn, đưa ra những chính sách hỗ trợ người dân nông thôn phát triển kinh tế, làm đường giao thông để việc đi lại của bà con được thuận lợi hơn...
Theo Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh Tuyên Quang, toàn tỉnh có 600.182 cử tri, có 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, 14 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, 56 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND huyện, 839 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND xã, 1.342 khu vực bỏ phiếu.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh Tuyên Quang cho biết: Nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử đến toàn thể nhân dân, đặc biệt, là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng, phát huy vai trò thông tin đại chúng, báo chí, lợi thế tuyên truyền miệng thông qua các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở. Cùng với đó, áp dụng linh hoạt trong việc huy động các nguồn lực, tổ chức các hoạt động để tuyên truyền… Các cơ quan báo của tỉnh tập trung tuyên truyền về bầu cử, qua đó giúp các nội dung về cuộc bầu cử đến được với toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện triển khai theo đúng quy định của pháp luật, đúng kế hoạch của Hội đồng Bầu cử Quốc gia và của Ủy ban Bầu cử tỉnh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện nghiêm túc. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử, đồng thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên không gian mạng; tổ chức để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp tiếp xúc cử tri, thực hiện vận động bầu cử, đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch, kiên quyết không để phát sinh các tình huống phức tạp ảnh hưởng đến công tác bầu cử…
Vũ Quang