Trưởng Ban công tác Mặt trận người dân tộc Tày Ma Thị Thanh thoát nghèo từ mô hình nuôi dúi

Bà Ma Thị Thanh, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Khau Tàm, xã Kiên Đài (người cầm con dúi) trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi cho các hộ đến tham quan mô hình. Ảnh: Quang Cường
Bà Ma Thị Thanh, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Khau Tàm, xã Kiên Đài (người cầm con dúi) trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi cho các hộ đến tham quan mô hình. Ảnh: Quang Cường

Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, bà Ma Thị Thanh, dân tộc Tày, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư Khau Tàm, xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã nỗ lực vượt khó, tìm cho mình hướng đi riêng trong phát triển kinh tế. Mô hình nuôi dúi của gia đình bà hiện đã mang lại hiệu quả kinh tế, mở ra nhiều triển vọng để phát triển và nhân rộng mô hình. Nhiều hộ gia đình ở địa phương tới học hỏi để vươn lên thoát nghèo.

Trưởng Ban công tác Mặt trận người dân tộc Tày Ma Thị Thanh thoát nghèo từ mô hình nuôi dúi ảnh 1Bà Ma Thị Thanh, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Khau Tàm, xã Kiên Đài (người cầm con dúi) trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi cho các hộ đến tham quan mô hình. Ảnh: Quang Cường

Trước đây, gia đình bà Thanh lựa chọn trồng cam, chăn nuôi lợn trên để phát triển kinh tế gia đình. Song nhận thấy kém hiệu quả, bà trăn trở tìm kiếm mô hình phát triển kinh tế mới để cuộc sống gia đình vơi bớt nỗi khó khăn, vất vả. Nhận thấy con dúi là loài có tiềm năng phát triển kinh tế, bà Thanh bàn với chồng tìm hiểu tập tính để nuôi thương phẩm con vật này. Năm 2021, gia đình bà Thanh quyết định đầu tư 60 triệu đồng, để xây chuồng trại và mua 65 con dúi giống về nuôi. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm, một số dúi bị ốm và chết. Không chán nản, vợ chồng bà đã tìm đến học hỏi kiến thức, kinh nghiệm những mô hình đã thành công ở các tỉnh Thái Nguyên, Hưng Yên…

Bà Thanh cho biết: Dúi thuộc loại động vật hoang dã nên cần phải nắm chắc tập tính, thói quen của nó thì mới phát triển được. Dúi ưa bóng tối, nên cần hạn chế ánh sáng trực tiếp và tiếng ồn, dúi là loài ngủ ngày và ăn về đêm. Ưu điểm lớn nhất là dúi dễ chăm sóc, ít bệnh, không cần uống nước nên lượng chất thải thấp. Dúi là loài động vật gặm nhấm nên thức ăn ưa thích của dúi là dòng họ cây tre, cây nứa, thức ăn bổ sung như là mía, ngô, sắn, cỏ voi để cấp nước. Ngoài ra, dúi còn ăn các loại thức ăn bổ sung như hạt, củ, quả, thân cây mía…Nuôi dúi không khó nhưng phải đặc biệt chú ý đến nhiệt độ, nhiệt độ phù hợp nhất từ 25 đến 28 độ C. Để tránh bị sốc nhiệt, phải áp dụng các biện pháp làm mát chuồng nuôi. Mỗi năm, dúi mẹ sinh sản 3-4 lứa, mỗi lứa từ 2 đến 3 con, sau 3 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng từ 4 đến 5 lạng/con.

Trưởng Ban công tác Mặt trận người dân tộc Tày Ma Thị Thanh thoát nghèo từ mô hình nuôi dúi ảnh 2Năm 2023, gia đình bà Thanh tiếp tục đầu tư trên 100 triệu đồng, mở rộng ô chuồng nuôi thêm 300 con dúi để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Quang Cường

Nhận thấy nuôi dúi khá ổn định, năm 2023, gia đình bà Thanh tiếp tục đầu tư hơn 100 triệu đồng, xây thêm 135 ô chuồng để nuôi thêm 300 con dúi. Đến nay, mô hình của bà Thanh, nuôi cả dúi sinh sản và dúi thương phẩm. Được xem là đặc sản của vùng núi, thịt dúi thơm, ngon, mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cao nên việc tiêu thụ dúi rất thuận lợi. Theo giá thị trường, dúi thương phẩm nuôi khoảng 10 tháng đạt 1,5 - 2 kg, giá thành khoảng 500.000-700.000 đồng/kg; dúi giống mỗi cặp bán giá khoảng 1,5 triệu đồng. Hiện nay, đàn dúi sinh trưởng và phát triển tốt, đem lại thu nhập mỗi năm cho gia đình hơn 120 triệu đồng.

Nhờ có thu nhập từ nuôi dúi, hộ gia đình bà Ma Thị Thanh đã có cuộc sống ổn định, có điều kiện nuôi con học đại học, sắm sửa được đồ dùng đắt tiền trong gia đình như máy xúc, ti vi, xe máy... Năm 2022, gia đình bà đã thoát nghèo bền vững.

Trưởng Ban công tác Mặt trận người dân tộc Tày Ma Thị Thanh thoát nghèo từ mô hình nuôi dúi ảnh 3Dúi là loài ít bệnh, dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là cây tre, cây nứa, mía, ngô, sắn… có sẵn ở địa phương. Ảnh: Quang Cường

Bà Lương Thị Khuyên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kiên Đài cho biết: "Mô hình nuôi dúi của bà Thanh trước mắt cho thấy khá phù hợp với địa bàn, tập quán chăn nuôi ở xã Kiên Đài. Mô hình đã và đang tạo đà cho phong trào phát triển kinh tế của người dân tại địa phương. Thời gian qua, với sự cởi mở, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi của bà Thanh, một số hộ trong xã đã tìm đến học hỏi mô hình nuôi dúi. Chúng tôi mong muốn, mô hình này sẽ được nhân rộng, để người dân địa phương thay đổi nếp nghĩ, tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu hợp pháp, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Kiên Đài”.

Quang Cường

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm