Mô hình nuôi con dúi của gia đình anh Lê Trọng Lệ, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa (bên trái) cho thu nhập 500 triệu/năm. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Tham quan cơ sở chăn nuôi của gia đình anh Lê Trọng Lệ (52 tuổi), thôn 2, xã Vân Sơn, chúng tôi được anh chia sẻ về quá trình lập nghiệp đầy khó khăn khi gắn bó với nghề nuôi con dúi. Anh Lệ cho biết, được sinh ra trong một gia đình thuần nông, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh phải nghỉ học để đi làm, mặc dù luôn cố gắng phát triển trồng trọt, chăn nuôi nhưng vẫn không đủ tiền lo cho gia đình. Năm 2007, anh quyết định rời quê hương đi làm công nhân xây dựng tại các công trình thủy điện. Mỗi ngày làm việc xong anh thường được dùng món ăn chế biến từ con dúi. Đây là món ăn ngon nhưng ít người biết đến. Cũng từ đây anh đã nảy ra ý định về quê chăn nuôi dúi. Tuy nhiên, ý định đó đã bị khỏa lấp bởi các công việc mưu sinh. Sau nhiều năm làm ăn xa, anh Lệ quyết định về quê chăn nuôi gà, lợn, nhưng được vài tháng gà bị dịch bệnh, lợn nuôi cũng rớt giá. Trong lúc tuyệt vọng, anh Lệ bỗng nhớ lại những chuyến đi làm xa được thưởng thức món ăn con dúi. Anh đã tìm hiểu sự sinh sản và điều kiện nuôi nhốt của con Dúi. Sau dó, anh đã quyết định tìm về những quán ăn trước đây anh đã từng được ăn món dúi để hỏi mua vài cặp về làm giống ban đầu. Năm 2009, anh Lệ bắt đầu nuôi dúi, từ 3 cặp giống ban đầu sau 1 năm đã bắt đầu sinh sản, cứ thế sau 3 năm đàn dúi vẫn phát triển tốt và sinh sản đều. Lúc này, dúi đã thích nghi với điều kiện nuôi nhốt nên anh bắt đầu xây dựng chuồng trại, thực hiện mô hình nuôi dúi thương phẩm. Dúi vốn là con vật gặm nhấm, ưa đào hoang nên chuồng dúi anh chỉ xây cao 80 cm, nền lát xi măng, kích thước mỗi ô nuôi khoảng 1m2 để dúi mẹ sinh sản. Tới nay, sau gần 10 năm gắn bó với nghề nuôi dúi, anh Lệ đã xây dựng được gia trại nuôi dúi có diện tích trên 240m2 với 800 con; trong đó, có 300 con dúi sinh sản. Hiện một cặp dúi được anh bán 1,6 triệu đồng; thu nhập bình quân của gia đình anh đạt 500 triệu/năm; cơ sở chăn nuôi của anh đã được nhiều người biết đến, nhiều tiểu thương ở các tỉnh khác đã về mua. Không chỉ gia đình anh Lệ, còn nhiều hộ khác trong xã cũng đã thoát nghèo nhờ nuôi dúi, điển hình như gia đình anh Cao Bá Minh, thôn 6, xã Vân Sơn đang nuôi 25 cặp dúi, thu lãi 130 triệu đồng/năm. Cơ sở chăn nuôi dúi của gia đình ông Lê Văn Sơn cũng đang cho thu nhập 80 triệu/năm. Ngoài ra, còn có nhiều hộ dân khác trong xã cũng đang thực hiện theo mô hình nuôi dúi để tiến tới thoát nghèo. Ông Phạm Văn Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Sơn cho biết, trên địa bàn xã có gần 20 hộ đang thực hiện mô hình nuôi con dúi. Nhờ làm tốt việc chăn nuôi, mô hình này đã cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều khách hàng từ các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh đã tìm về mua, một số hộ đã vươn lên làm giàu nhờ nuôi dúi. Từ đó nhiều hộ gia đình khác đang học theo. Để tiếp tục giúp nông dân thực hiện mô hình nuôi con dúi, Hội Nông dân xã đã tăng cường khai thác các nguồn vốn từ tín chấp, ủy thác và hỗ trợ nông dân để bà con vay vốn phát triển kinh tế. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hội viên, nông dân và tổ chức cho các hộ chăn nuôi dúi tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm, trao đổi hàng hóa với nhiều địa phương, từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo.
Nguyễn Nam