Ngày 12/3, Trung Quốc đã phóng thành công tên lửa đẩy Trường Chinh-7A Y2 từ bãi phóng Văn Xương (Wenchang), thuộc tỉnh Hải Nam (Hainan), miền Nam nước này.
Vào lúc 1h51 (giờ địa phương), tên lửa Trường Chinh-7A đã được phóng thành công, mang theo vệ tinh Shiyan-9 vào quỹ đạo. Vệ tinh này chủ yếu sẽ được dùng để thử nghiệm các công nghệ mới trên quỹ đạo, bao gồm việc giám sát môi trường vũ trụ. Đây là vụ phóng thứ 362 của trong loạt sứ mệnh của tên lửa Trường Chinh.
Trường Chinh-7A là phiên bản thế hệ mới của tên lửa Trường Chinh 7. Tên lửa đẩy này có 3 tầng với tổng chiều dài 60,1m, dài hơn 7m so với Trường Chinh 7. Theo Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC), để giảm thiểu nguy cơ tên lửa bị gãy, các nhà khoa học đã phát triển công nghệ thông minh để giúp tên lửa kiểm soát tốt hơn trong điều kiện gió mạnh khi ở trên cao, cho phép nó có thể tìm ra lộ trình bay lý tưởng sau khi cất cánh.
Với trọng lượng 573 tấn, tên lửa mới có khả năng chở vật thể có trọng tải ít nhất là 7 tấn lên quỹ đạo chuyển tiếp địa tĩnh, cách xích đạo của Trái Đất 36.000km. Trường Chinh-7A sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường được sản xuất từ oxy lỏng và dầu hỏa. Đây được xem là bước tiến mới trong việc nâng cấp tên lửa đẩy tầm trung.
Cùng với Trường Chinh-3A, Trường Chinh 5, tên lửa đẩy Trường Chinh-7A sẽ thực hiện các sứ mệnh của Trung Quốc trên quỹ đạo tầm cao. Dự kiến mỗi năm Trường Chinh-7A sẽ thực hiện 3-5 sứ mệnh trước năm 2025. Trong khi đó, các nhà khoa học sẽ nâng cấp hơn nữa các tên lửa đẩy để đáp ứng nhu cầu đưa vệ tinh và tàu vũ trụ lên khám phá Mặt Trăng, Sao Hỏa và các tiểu hành tinh.
Đặng Ánh