Luân canh lúa – sen mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều người dân huyện Tháp Mười. Ảnh: baocongthuong.com.vn |
Theo ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, năng suất sen vụ Đông Xuân 2018 cho sản lượng 3,8 tấn/ha gương. Bình quân 1 kg gương sen bán với giá 15.000-16.000 đồng và sản xuất sen lấy ngó cho năng suất từ 8-10 tấn/ha. Vì vậy, mỗi ha trồng sen lãi hơn 100 triệu đồng và sau đó, bà con tiếp tục sản xuất lúa, theo mô hình lúa-sen. Ở Đồng Tháp có mô hình sinh kế mùa nước lũ bằng việc thực hiện mô hình lúa-sen, được nông dân thực hiện khá phổ biến với diện tích toàn tỉnh tăng lên hơn 300 ha, lợi nhuận cao hơn trồng lúa gấp 2-3 lần. Nếu cây sen có đầu ra ổn định, mô hình này có khả năng phát triển mạnh, đồng thời trồng sen giúp giảm sâu bệnh cho lúa. Anh Lê Văn Ngọt ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười cho biết, anh trồng 4 ha sen và sau khi trừ chi phí anh lãi hơn 300 triệu đồng/năm. Với diện tích sen trên đất lúa hiện có, anh còn làm dịch vụ du lịch, mở quán cho khách đến tham qua, thưởng thức các món ăn từ sen nên anh lãi thêm gấp 2-3 lần trồng sen. Hiện nay, giá gương sen thương lái mua với giá 12.000-15.000 đồng/kg, nếu khách đến tham quan đến mua gương, mua hoa, anh sẵn sàng cung cấp và bán với giá 5.000 đồng/ bông sen, 5.000 đồng/ gương sen.
Trồng sen lấy củ trên đất lúa nhiễm mặn. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền - TTXVN |
Còn anh Nguyễn Văn Hiếu ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình trồng hơn 2 ha sen trên đất lúa, đã thu hoạch hơn 1 tháng nay. Cứ cách một tuần anh thu hoạch một lần và tính ra 2 ha trồng sen anh lãi gần 200 triệu đồng. Sau khi thu hoạch sen vụ Đông Xuân 2018, anh tiếp tục làm 1 vụ lúa Hè Thu. Cây sen ở huyện Tháp Mười hiện đã được chứng nhận nhãn hiệu Sen Tháp Mười do Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp. Huyện Tháp Mười đã đưa sản phẩm từ cây sen để phát huy giá trị các sản phẩm chế biến từ sen, quảng bá, nâng cao uy tín, chất lượng thương hiệu Sen Tháp Mười trên thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp về sen, nhằm thu hút khách du lịch, tạo dựng hình ảnh địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp. Theo ông Đinh Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, huyện sẽ giữ ổn định 300 ha ha trồng sen và trong thời gian tới mở rộng quy hoạch vì đây là mô hình chuyển đổi cây trồng lãi cao hơn trồng lúa. Các sản phẩm từ cây sen được chế biến sấy khô, làm tim sen, bán sen tươi, sữa sen , làm rượu sen và các sản phẩm từ sen....Bên cạnh đó, tạo ra nhiều món ăn hấp dẫn, nổi bật là món cơm gói lá sen, chè sen , hay cá lóc nướng trui cuốn lá sen non…
Nguyễn Văn Trí