Đẩy mạnh sản xuất rau an toàn. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN |
Thành lập từ tháng 9/2017, Hợp tác xã Trồng rau sạch Thạnh Hưng, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành có quy mô 5,7 ha với 28 thành viên tham gia. Hợp tác xã chuyên sản xuất các mặt hàng rau sạch như: dưa leo, khổ qua, các loại rau cải, xà lách, rau gia vị…, bình quân mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 500 tấn sản phẩm rau tươi. Ông Danh Chạng, ngụ tại ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Lộc cho biết, gia đình có gần 3.000 m2 trồng rau. Khi trở thành thành viên hợp tác xã trồng rau sạch, ông được tham gia các lớp tập huấn về sản xuất rau theo tiêu chuẩn an toàn, sạch, hướng đến VietGAP, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây rau. Quá trình sản xuất mới đã khác nhiều so với sản xuất rau truyền thống trước kia là sử dụng thuốc trừ sâu sinh học thích hợp theo đúng liều lượng, luôn tuân thủ quy trình nghiêm ngặt. Chính vì vậy, sản phẩm rau khi thu hoạch luôn đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay các chất hóa học khác - ông Chạng nhận xét. Hiện gia đình ông Chạng cung cấp cho thị trường bình quân 250 kg/ngày dưa leo, khổ qua, rau các loại. Trừ chi phí sản xuất, bình quân gia đình ông thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm. Cũng tương tự, ông Danh Xinh, ngụ ấp Thạnh Hưng cũng theo nghề trồng rau 12 năm. Ông tận dụng đất xung quanh nhà với diện tích hơn 800 m2 trồng các loại rau như mồng tơi, cải xanh, dền, các loại rau thơm… Theo ông Xinh, trồng rau sạch, an toàn theo đúng quy trình đạt năng suất cao hơn, chi phí đầu tư cũng thấp hơn, nên lợi nhuận tăng từ 15 - 25%. Trước kia, bón phân, phun thuốc cho rau từ khi gieo hạt đến thu hoạch là bốn lần, sau khi áp dụng tiêu chuẩn sản xuất rau sạch, hướng tới VietGAP, chỉ còn hai lần bón phân và sử dụng phân thuốc hữu cơ. Có điều kiện kinh tế, xã viên hợp tác xã còn đầu tư xây dựng hệ thống phun mưa, tưới tự động và xử lý chất thải bên trong, giúp ngăn chặn hiệu quả sự xâm nhập của các loại côn trùng gây hại, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng rau. Hợp tác xã cũng hướng dẫn bà con tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn về nguồn nước tưới, kiểm soát chặt chẽ việc các loại thuốc bảo vệ thực vật theo tiêu chuẩn “4 đúng” (đúng thời điểm, thời gian cách ly, liều lượng và đúng bệnh). Để đảm bảo thu nhập, người trồng còn phải biết bố trí thời vụ hợp lý, trồng các loại rau thông dụng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng để rau được bán có giá cao hơn. Ông Danh Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Trồng rau sạch Thạnh Hưng cho biết, tham gia hợp tác xã, nông dân được hỗ trợ vốn, tập huấn về kỹ thuật bón phân, cách sử dụng phân thuốc hữu cơ đúng liều lượng theo quy trình, đặc biệt không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Trong năm 2020 này, hợp tác xã có kế hoạch cụ thể cho các hộ trong việc sản xuất nhiều loại rau theo quy mô gieo trồng nhằm đảm bảo ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập cho thành viên. Sau hơn hai năm hoạt động, Hợp tác xã Trồng rau sạch Thạnh Hưng giúp hạn chế được sâu bệnh phá hoại trong quá trình sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm rau an toàn được người tiêu dùng lựa chọn, ưa chuộng hơn so với rau truyền thống. Sản phẩm sạch, an toàn đảm bảo sức khỏe của Hợp tác xã Trồng rau sạch Thạnh Hưng cũng là xu hướng tất yếu được người tiêu dùng lựa chọn. Được coi là vùng đất trồng rau lớn nhất tỉnh Kiên Giang với diện tích trồng rau các loại trên 70 ha, xã Thạnh Lộc cung cấp thường xuyên cho các chợ đầu mối như Trung tâm Thương mại Rach Giá cùng nhiều chợ trên địa bàn tỉnh. Nhờ hướng đi đúng đắn, Hợp tác xã Trồng rau sạch Thạnh Hưng đang giúp nông dân địa phương ổn định năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường; đồng thời, phát huy thế mạnh trồng rau của địa phương.
Hồng Đạt