Trồng cây dược liệu, hướng xóa đói giảm nghèo của phụ nữ vùng sâu vùng xa

Trồng cây dược liệu, hướng xóa đói giảm nghèo của phụ nữ vùng sâu vùng xa
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Gia đình chị Y Bia, làng mới, xã Mường Hoong trước đây thuộc diện hộ nghèo, nhưng 2 năm gần đây được sự hỗ trợ của chị em trong Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chị đã trồng được 2 sào sâm dây. Sau khi trừ chi phí, đợt thu hoạch vừa rồi chị thu lãi gần 10 triệu đồng.

Trước đây, trên diện tích đất rẫy đồi dốc, chị Y Bia trồng cà phê, bời lời, nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế. Năm 2015 được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ giống sâm dây, chị mạnh dạn phá bỏ cây cà phê chuyển sang trồng cây dược liệu. Từ những đợt thu hoạch sâm dây đầu tiên, với mong muốn giúp đỡ chị em trong thôn làng, chị Y Bia chia sẻ giống sâm dây cho những chị em khác cùng phát triển kinh tế. Hiện nay, tổng thu nhập của gia đình chị chủ yếu từ sâm dây, được khoảng 30-40 triệu đồng/năm.

Chị Y Bia chia sẻ: “Trồng sâm dây khó nhất là vào mùa mưa, phải làm cỏ và đất thường xuyên tránh việc úng rễ, thối củ, còn lại thì cây rất dễ trồng và phù hợp với đất ở đây nên cây phát triển tốt. Từ năm ngoái tới nay, tôi đã nhân 30-40 kg giống cho các chị em trong làng cùng trồng.”

Từ giống sâm dây cũng như kỹ thuật trồng được chị Y Bia chia sẻ, rất nhiều chị em mạnh dạn trồng thử và cho hiệu quả cao. Y Ni là một trong những hộ gia đình đặc biệt khó khăn trong làng, đến xin giống sâm dây của chị Y Bia từ năm 2016, đến nay hai sào sâm dây của chị Y Ni phát triển tốt, cho sản phẩm chất lượng với thu hoạch trên 10 triệu đồng/vụ. Sau đó, chị phát triển thêm một sào sâm đương quy và đã cho thu hoạch 5 triệu đồng trong vụ đầu tiên. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình chị Y Ni đã ổn định hơn, không còn cảnh đói ăn trước mùa giáp hạt.

Chị Y Ni cho biết, chị rất biết ơn chị Y Bia khi được chị Y Bia cho giống sâm dây và hướng dẫn cách chăm sóc loài dược liệu này. Gia đình chị đã bớt gánh nặng về kinh tế từ khi trồng và thu hoạch cây dược liệu. Chị sẽ cố gắng phát triển nguồn giống để hỗ trợ các chị em khác trong thôn, làng có giống sâm dây trồng phát triển kinh tế gia đình.

Trước đây, các hộ dân ở các xã Mường Hoong, Ngọc Linh, cũng đã trồng các loại cây dược liệu như sâm dây, sâm Ngọc Linh, sâm đương quy… nhưng trồng nhỏ lẻ, không tập trung nên đầu ra cho sản phẩm gặp khó khăn.

Chị Y Long, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ngọc Linh cho biết: “Từ khi chị em trong xã ý thức được việc trồng cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao, chúng tôi vận động chị em vào tổ chức Hội và thành lập các tổ liên kết để giúp nhau trồng sâm dây, sâm đương quy, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo, nên diện tích mở rộng và trồng tập trung hơn”. Nhờ cách làm mới, có liên kết, mở rộng quy mô, diện tích nên đầu ra cho sản phẩm cũng ổn định khi thương lái lên tận nơi để tìm mua, hiệu quả thấy rõ.

Trước thành quả trên, cuối tháng 5/2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum đã phát triển hai mô hình tổ liên kết phụ nữ dân tộc thiểu số trồng sâm dây tại hai xã Ngọc Linh và Mường Hoong. Theo đó, mô hình trên có 60 thành viên tham gia với tổng diện tích khoảng 5 ha sâm dây, cây giống được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum hỗ trợ 50 kg. Sau mùa thu hoạch đầu tiên, các hộ được nhận hỗ trợ nguồn giống sâm nộp lại cho tổ liên kết 5 kg sâm giống để luân chuyển hỗ trợ giống cho các hộ phụ nữ khó khăn khác tiếp tục trồng.

Mô hình trồng cây dược liệu là mô hình mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất Kon Tum, đã giúp chị em người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa của tỉnh xóa đói giảm nghèo và đang được nhân rộng trên địa bàn.
 
Hồng Điệp
 
Bài liên quan: 

-
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thuốc nam

Phát triển dược liệu Việt Nam (Bài 1)

Phát triển dược liệu Việt Nam (Bài 2)

Có thể bạn quan tâm