Bài 2: Giải pháp đồng bộ từ nuôi trồng đến sử dụng dược liệu trong nước
Mặc dù có tiềm năng thế mạnh rất lớn về tài nguyên dược liệu nhưng hiện nay, dược liệu trong nước mới chủ động được 25% nhu cầu, còn 75% phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Trước thực trạng trên, ngành y tế đã có nhiều giải pháp đồng bộ từ khâu nuôi trồng đến sử dụng.
Mặc dù có tiềm năng thế mạnh rất lớn về tài nguyên dược liệu nhưng hiện nay, dược liệu trong nước mới chủ động được 25% nhu cầu, còn 75% phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Trước thực trạng trên, ngành y tế đã có nhiều giải pháp đồng bộ từ khâu nuôi trồng đến sử dụng.
Nuôi trồng dược liệu chưa có qui hoạch và định hướng Theo Cục Quản lý Y dược cổ truyền, thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển dược liệu nuôi trồng trong nước nhưng đến nay hoạt động này chưa có qui hoạch, định hướng phát triển của từng địa phương và gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập. Hiện nay, số lượng loài cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít (trên cả nước hiện chỉ còn khoảng 206 loài cây dược liệu có giá trị có thể khai thác tự nhiên), nhiều loài cây dược liệu quý hiếm trong nước đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Trước kia, một số dược liệu có thể khai thác hàng chục tấn mỗi năm (như: Ba kích, Đảng sâm, Hoàng linh…) thì thực tế hiện nay, nhiều cây thuốc đã được đưa vào sách đỏ vì có nguy cơ bị tuyệt chủng. Cây Hoàng liên trước đây là đặc trưng của dãy núi Hoàng Liên Sơn nay chỉ tìm thấy dạng dấu tích. Đặc biệt, tình trạng nuôi trồng và khai thác dược liệu còn tự phát, qui mô nhỏ dẫn đến sản lượng dược liệu không ổn định, giá cả biến động. Nhiều dược liệu không được nuôi trồng theo qui trình, qui hoạch cụ thể (trồng lẫn với vùng trồng lúa và hoa màu; kỹ thuật trồng và chăm sóc chủ yếu theo kinh nghiệm; việc sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước tưới… còn tùy tiện; thu hái dược liệu không tuân thủ theo mùa, vụ và tuổi của cây) làm ảnh hưởng tới chất lượng dược liệu và ảnh hưởng đến chất lượng thuốc từ dược liệu.
Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (thuộc Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh) vừa nghiên cứu và trồng thử nghiệm thành công cây sâm cau (Curculigo orchioides) bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật. Phương pháp này giúp giống có chất lượng tốt, sạch bệnh, độ đồng đều cao và cho số lượng lớn trong thời gian ngắn. Hiện nay, trung tâm sẵn sàng cung cấp, chuyển giao quy trình nhân giống cây sâm cau cho những vùng chuyên canh cây dược liệu của Việt Nam góp phần bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý đang bị khai thác quá mức và có nguy cơ dẫn đến tuyệt chủng trong tự nhiên. Trong ảnh: Nhân giống cây sâm cau trong phòng thí nghiệm bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật. Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN |
Hiện Việt Nam chưa đưa được các bài thuốc quý trong cộng đồng ra sử dụng rộng rãi; thậm chí nhiều bài thuốc quý đã bị mai một, thất truyền hoặc bị đánh cắp, giả mạo. Đồng thời, sản phẩm từ dược liệu quý của nước ta chưa trở thành hàng hóa có giá trị cao và chưa được sử dụng rộng rãi. Ví dụ như: Sâm Ngọc linh là một trong những loài sâm quý, đặc hữu của Việt Nam; có hàm lượng saponin cao nhất thế giới (cao hơn cả sâm Triều Tiên). Tuy nhiên, sâm Ngọc linh của nước ta hiện mới chỉ ở bước đầu nghiên cứu ứng dụng trong sản xuất thuốc và chủ yếu được người dân dùng để ngâm rượu. Trong khi đó, người Hàn Quốc với lợi thế về khoa học kỹ thuật từ lâu đã ứng dụng nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, sản xuất được nhiều loại sản phẩm khác nhau từ sâm Triều Tiên mang lại lợi nhuận nhiều tỷ USD. Dược liệu của Việt Nam hiện chủ yếu dừng lại ở xuất khẩu nguyên liệu thô, giá trị dược liệu thấp. Công tác quản lý chất lượng dược liệu gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là chất lượng dược liệu nhập khẩu. Trong năm 2016, hệ thống kiểm nghiệm trong cả nước đã lấy 2.724 mẫu dược liệu có nguy cơ cao bị nhầm lẫn, giả mạo hoặc không đạt yêu cầu để kiểm tra. Kết quả đã phát hiện 374 mẫu dược liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng (chiếm tỷ lệ 13,73% số mẫu dược liệu lấy để kiểm tra), cao hơn nhiều so với tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng nói chung (3%). Triển khai đồng bộ các giải pháp Theo Bộ Y tế, nguyên nhân của những tồn tại, khó khăn trên là do hệ thống chính sách phát triển dược liệu được xây dựng nhiều nhưng khi triển khai còn thiếu đồng bộ; nhiều chính sách chưa đủ mạnh (như: chính sách quản lý khai thác dược liệu tự nhiên, chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư phát triển nuôi trồng, chế biến, sử dụng dược liệu và phát huy giá trị các bài thuốc cổ truyền...). Bên cạnh đó, tài nguyên dược liệu của Việt Nam có nguy cơ cạn kiệt do nạn chặt phá rừng, khai thác dược liệu tự nhiên quá mức, chưa đi đôi với việc tái tạo, bảo tồn. Nhiều dược liệu quý hiếm bị các thương lái thu mua theo kiểu tận thu và vận chuyển lậu sang nước ngoài qua đường biên giới, dẫn tới chảy máu trầm trọng nguồn tài nguyên trong nước. Đồng thời, hoạt động nuôi trồng dược liệu chưa có sự gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thị trường. Vì vậy, có trường hợp dược liệu đột biến tăng giá gấp vài chục lần vì trồng ít mà nhu cầu sử dụng và xuất khẩu tăng; cũng có trường hợp nông dân nuôi trồng nhiều mà không có người mua. Công tác tuyển chọn giống cây dược liệu vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức; sự đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, đặc biệt công nghệ chiết xuất dược liệu để ứng dụng trong phát triển công nghiệp dược vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, việc kiểm soát chất lượng dược liệu cũng gặp nhiều khó khăn. Số lượng và số loại dược liệu hiện lưu hành trên thị trường nhiều trong khi đó trang thiết bị, máy móc và năng lực của hệ thống kiểm nghiệm trong nước chưa đáp ứng đủ. Nước ta thiếu dược liệu chuẩn và các chất chuẩn dược liệu dùng để kiểm tra chất lượng; cơ sở dữ liệu về dược liệu chuẩn đối chiếu, các chất chiết được từ dược liệu dùng phục vụ công tác kiểm nghiệm còn hạn chế… Trước thực trạng trên, ngành y tế sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ để phát triển dược liệu trong nước; phấn đấu đến năm 2020 bảo tồn được 50% và năm 2030 là 70% tổng số loài dược liệu của Việt Nam; đáp ứng được 50% (năm 2020) và 70% (năm 2030) tổng nhu cầu dược liệu sử dụng trong nước. Ngành y tế sẽ mở rộng, tăng số lượng thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được thanh toán bảo hiểm y tế, hướng tới thanh toán bảo hiểm y tế cho tất cả các dược liệu, vị thuốc cổ truyền sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh; thực hiện thông tuyến trong khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Bộ Y tế hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng qui hoạch các vùng trồng dược liệu; sử dụng nguồn biên chế được phân bổ hàng năm của Bộ để tăng cường cho công tác quản lý y dược cổ truyền; tăng cường phòng chống buôn lậu, chống hàng giả, hàng kém chất lượng về dược liệu. Đồng thời, Bộ sẽ xác định nhóm cây dược liệu có tiềm năng để ưu tiên đầu tư chuyển hóa thành sản phẩm thương mại có giá trị cao; xây dựng chương trình nghiên cứu trọng điểm nhằm tập trung giải quyết bằng công nghệ tiên tiến từ qui trình tạo giống, thu hái, chế biến dược liệu, chiết xuất cao và hoạt chất từ dược liệu đến qui trình sản xuất sản phẩm từ dược liệu… Bộ Y tế có chính sách ưu tiên trong đấu thầu mua dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được sản xuất từ nguồn dược liệu trong nước; không chào thầu dược liệu nhập khẩu khi dược liệu nuôi trồng, thu hái trong nước đáp ứng về điều trị, khả năng cung cấp và giá cả hợp lý. Bộ sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho phát hiện, thử lâm sàng, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có liên quan, đăng ký lưu hành và kế thừa đối với các thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu; tạo điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề y, dược cổ truyền cho người sở hữu bài thuốc gia truyền được Bộ Y tế công nhận. Đặc biệt, Bộ cho phép các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền có đủ điều kiện chế biến, bào chế thuốc cổ truyền để cấp phát và bán lẻ theo đơn tại cơ sở; đồng thời được bán cho cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền khác trong cùng địa bàn tỉnh, thành phố để điều trị cho bệnh nhân. Các thuốc cổ truyền loại này không phải đăng ký trước khi lưu hành và không yêu cầu phải thử lâm sàng. Bộ Y tế nghiêm cấm sản xuất, pha chế, bán thuốc cổ truyền có kết hợp với hoạt chất hóa dược khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhằm ngăn chặn tình trạng nhiều “lang băm” núp bóng các bài thuốc đông y, bài thuốc gia truyền để trộn với thuốc tân dược bán cho người dân dẫn đến người bệnh phải chịu hậu quả “tiền mất tật mang”…(Xem lại Bài 1: Nhiều cơ hội cho dược liệu Việt Nam)
Thu Phương
TTXVN