Vườn cam đường canh chín rộ ở xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Mai Ngoan - TTXVN. |
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cam theo hướng VietGap có quy mô lớn, tập trung ở các xã như: Tân Dân, An Vĩ, Đông Tảo (Khoái Châu); Liên Nghĩa, Tân Tiến (Văn Giang); Đồng Thanh (Kim Động); Tam Đa, Minh Tiến (Phù Cừ); Minh Châu, Lý Thường Kiệt (Yên Mỹ), Quảng Châu (Thành phố Hưng Yên)... Tại các địa phương này đã xuất hiện nhiều trang trại có quy mô từ 3 ha đến 30 ha.
Bà Đoàn Thị Chải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên cho biết, hiện các nhà vườn trồng cam ở Hưng Yên đã áp dụng tiến bộ khoa học, thực hiện thâm canh theo hướng an toàn như VietGAP, GlobalGAP. Ngành nông nghiệp đã hướng dẫn nông dân xây dựng quy trình sản xuất chặt chẽ, kiểm soát lượng phân bón, tuyệt đối không sử dụng hóa chất độc hại, hình thành thói quen sản xuất nông sản sạch. Theo đó đã tạo ra sản phẩm chất lượng ngon vượt trội, mẫu mã đẹp và an toàn vệ sinh thực phẩm, được thị trường ưa chuộng.
Khoái Châu là vùng trồng cam nổi tiếng ở Hưng Yên với hơn 100 ha đang cho thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Đạt, trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: toàn bộ diện tích trồng cam và cây có múi ở Khoái Châu hiện đều được thâm canh theo quy trình VietGap, đạt chất lượng thơm ngon đặc trưng, cho thu lãi mỗi vụ gần 500 triệu đồng/ha. Đáng chú ý tại xã Dạ Trạch đã xuất hiện trang trại trồng cam giống mới là V36 và cam ruột đỏ, bước đầu cho thu quả; đây la giống cam có vị ngọt đậm, mùi thơm, tép giòn, vỏ mỏng, ít hạt. Hiện cam C36 có giá 60 nghìn đồng/kg, cao gấp hơn 2 lần các giống cam bình thường. Đặc biệt, cam ruột đỏ giá khoảng 100 nghìn đồng/kg.
Tại huyện Kim Động đã xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cam, bưởi mang lại hiệu quả kinh tế cao tại các xã: Đồng Thanh, Thọ Vinh, Song Mai, Đức Hợp... Toàn huyện Kim Động hiện có hơn 360 ha trồng các loại cây cam, bưởi. Theo đánh giá của một số địa phương trên địa bàn huyện, hiện nay diện tích chuyển đổi sang trồng cam, bưởi cho thu nhập bình quân khoảng 400 triệu đồng/ha mỗi năm, cao gấp 15 lần so với trồng lúa.
Tại các địa phương khác cũng đang hình thành nhiều trang trại điển hình, khẳng định được thương hiệu với giống cam chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn sạch như: HTX Quảng Châu thành phố Hưng Yên, trang trại Bống Vàng xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ, Công ty TNHH Tam Thiên Mẫu huyện Yên Mỹ...
Theo ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, trong 10 năm trở lại đây, cây cam đang trở thành cây chủ lực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, là một trong những trọng tâm của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tỉnh khuyến cao nông dân không mở rộng diện tích tràn lan, mà tập trung phát triển ổn định. Trong đó coi trọng việc đưa các giống cam có năng suất cao, chất lượng tốt vào thay thế diện tích giống cam cũ già cỗi, năng suất thấp; tập trung trồng các giống phù hợp, có năng suất giá trị thương phẩm cao, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP để cây cam mang lại giá trị cao và phát triển bền vững.
Mai Ngoan