"Trợ thủ" tiềm năng của bệnh nhân Parkinson

Ông Marc Gauthier đã có thể đi lại tốt hơn nhờ được cấy ghép thiết bị do hãng công nghệ y tế Onward Medical thiết kế. Ảnh: Reuters
Ông Marc Gauthier đã có thể đi lại tốt hơn nhờ được cấy ghép thiết bị do hãng công nghệ y tế Onward Medical thiết kế. Ảnh: Reuters

Lâu nay, ông Marc Gauthier mắc bệnh Parkinson và thường không thể tự ra khỏi nhà. Giờ đây, ông đã có thể đi lại tốt hơn nhờ được cấy ghép thiết bị mới do hãng công nghệ y tế Onward Medical của Thụy Sĩ thiết kế.

Thiết bị hỗ trợ hệ thần kinh (neuroprosthetic) chứa một điện trường được các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Lausanne (CHUV) lần đầu tiên cấy vào tủy sống của bệnh nhân người Pháp Gauthier, 63 tuổi. Kết hợp với máy tạo xung điện dưới da bụng, thiết bị này sẽ truyền tín hiệu đến tủy sống, kích hoạt các cơ chân.

Bệnh nhân Gauthier chia sẻ, thiết bị thử nghiệm đã thay đổi cuộc đời của ông, giúp ông có thể tự lập, ra khỏi nhà, làm những việc vặt, thậm chí có thể đi bộ.

Là một trong những người đứng đầu dự án trên, Giáo sư khoa học thần kinh tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (EPFL), Đại học Lausanne và bệnh viện CHU, bác sĩ Grégoire Courtine cho biết các xung điện truyền tới tủy sống của bệnh nhân Gauthier đã giúp ông này đi lại như người bình thường.

"Trợ thủ" tiềm năng của bệnh nhân Parkinson ảnh 1Ông Marc Gauthier đã có thể đi lại tốt hơn nhờ được cấy ghép thiết bị do hãng công nghệ y tế Onward Medical thiết kế. Ảnh: Reuters

Theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature Medicine ngày 6/11, có thể sử dụng rộng rãi công nghệ cấy ghép này cho những bệnh nhân Parkinson nặng mà đa phần trong số họ đều gặp tình trạng suy giảm đáng kể khả năng vận động. Nhóm nghiên cứu đang lập kế hoạch thử nghiệm lâm sàng cấy ghép thiết bị này trên 6 bệnh nhân mới trong năm tới.

Ông Dave Marver, Giám đốc điều hành công ty Onward Medical, cho biết mặc dù tương tự như máy khử rung tim có thể cấy ghép được và những thiết bị để kiểm soát các cơn đau, nhưng thiết bị hỗ trợ hệ thần kinh cấy ghép cho bệnh nhân Parkinson đặc biệt ở chức năng tác động đến tủy sống theo cách thức cụ thể và linh hoạt.

Đồng Giám đốc trung tâm NeuroRestore, bác sĩ giải phẫu thần kinh Jocelyne Bloch, người đã thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép cho bệnh nhân Gauthier cho biết với thiết bị cấy ghép này, người bệnh có thể tự tin tham gia các hoạt động hằng ngày, có khả năng tương tác xã hội và đây là một yếu tố tích cực, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.

Parkinson là bệnh thoái hóa thần kinh, có các triệu chứng đặc trưng như run rẩy, cứng khớp, khó có khả năng cân bằng và phối hợp. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ mắc bệnh này đã tăng gấp đôi trong 25 năm qua.

Minh Tâm

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm