Triển lãm “Tranh dân gian truyền thống Việt Nam”

Triển lãm “Tranh dân gian truyền thống Việt Nam”
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế (thứ 2 từ phải sang) trải nghiệm làm tranh dân gian Đông Hồ tại triển lãm. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế (thứ 2 từ phải sang) trải nghiệm làm tranh dân gian Đông Hồ tại triển lãm. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Triển lãm “Tranh dân gian truyền thống Việt Nam” giới thiệu 68 bức tranh tiêu biểu, được chọn lọc từ bộ sưu tập mỹ thuật dân gian truyền thống của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với nhiều dòng tranh dân gian nổi tiếng như: Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống, Kim Hoàng (Hà Nội) và tranh thờ Vũ Di (Vĩnh Phúc), Độc Lôi (Nghệ An); 28 bức tranh làng Sình của Nghệ nhân dân gian Kỳ Hữu Phước (tỉnh Thừa Thiên Huế). Các dòng tranh trên được thể hiện qua nét khắc, vẽ tài hoa của người nghệ nhân với nội dung phong phú, đa dạng, sâu sắc, mang tính mỹ thuật cao, truyền tải ý nghĩa nhân văn, giá trị văn hóa đặc sắc của các vùng miền trong cả nước. Bên cạnh đó, triển lãm còn giới thiệu và hướng dẫn kỹ thuật in một số dòng tranh dân gian như tranh Đông Hồ, tranh làng Sình và nghệ thuật đồ họa nhằm tạo nên một sân chơi nghệ thuật dành cho mọi lứa tuổi.
       
Các em học sinh thích thú với trải nghiệm làm tranh tại không gian triển lãm. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
Các em học sinh thích thú với trải nghiệm làm tranh tại không gian triển lãm.
Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên – Huế cho biết: Tranh dân gian Việt Nam xuất hiện từ lâu đời, được giữ gìn, bảo tồn và phát triển qua các giai đoạn lịch sử của đất nước. Kho tàng tranh dân gian Việt Nam khá phong phú, đa dạng, muôn màu muôn vẻ, thấm đẫm tâm hồn trong trẻo, chứa đựng tính nhân văn của nhân dân lao động, được thể hiện bằng trí thông minh, khả năng khéo léo, sự cách điệu hóa và kỹ thuật điêu luyện của những nghệ nhân dân gian. Tất cả đã tạo nên diện mạo, ngôn ngữ nghệ thuật riêng biệt, giàu sức sống, đi sâu vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Kho tàng tranh dân gian đã đóng góp đáng kể vào nền mỹ thuật, đồng thời là tài sản quý giá trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
       
Các em học sinh thích thú với trải nghiệm làm tranh tại không gian triển lãm. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
Các em học sinh thích thú với trải nghiệm làm tranh tại không gian triển lãm.
Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Triển lãm “Tranh dân gian truyền thống Việt Nam” là hoạt động ý nghĩa, để giới thiệu và tôn vinh nghề làm tranh; đồng thời là dịp trải nghiệm thú vị góp phần giúp nhân dân, du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu được các giá trị ý nghĩa của các dòng tranh dân gian Việt Nam, khơi dậy niềm tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc. Tại triển lãm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã trao tặng bộ tranh tố nữ cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế.
       
Cùng ngày, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế còn diễn ra Triển lãm tranh chân dung "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" của họa sĩ Đặng Ái Việt. Triển lãm giới thiệu 150 bức chân dung các Bà mẹ Việt Nam anh hùng được in trên chất liệu vải dệt bằng tay. Họa sĩ Đặng Ái Việt, tên thật là Đặng Thị Bông, sinh ra trong thời chiến. Thuở thiếu nữ, bà được người dân gọi với cái tên thân thương "dũng sĩ diệt Mỹ", nay khi tuổi già chạm ngưỡng 70, bà đã đi được một đoạn đường dài trên hành trình phi thường - khắc họa chân dung những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên khắp đất nước. Hành trình vẽ mẹ Việt Nam Anh của bà là cuộc chạy đua với thời gian khắc nghiệt của tuổi già, không biết khi nào mẹ sẽ ra đi, khi nào trái tim mẹ ngừng đập, thậm chí sức khỏe của chính mình, nhưng bà chưa bao giờ nghĩ sẽ dừng lại bởi bà luôn tin vào sứ mệnh của mình - sứ mệnh vẽ linh hồn các mẹ.
        Tường Vi
TTXVN

Có thể bạn quan tâm