Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 18 giờ ngày 22/8 đến 18 giờ ngày 23/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.280 ca nhiễm mới, trong đó có 14 ca nhập cảnh và 10.266 ca lây nhiễm trong nước.
Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương có số mắc cao nhất với 4.251 ca, đứng thứ hai là Bình Dương (3.183 ca), thứ ba là Đồng Nai (623 ca), tiếp đó là Tiền Giang (459 ca), Long An (388 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (154 ca), Đà Nẵng (152 ca), Đắk Lắk (128 ca), Khánh Hòa (125 ca), Nghệ An (111 ca), Đồng Tháp (100 ca), Cần Thơ (85 ca), An Giang (75 ca), Bến Tre (65 ca), Kiên Giang (57 ca), Phú Yên (43 ca), Hà Nội (40 ca), Bình Thuận (36 ca), Trà Vinh (34 ca), Sơn La (21 ca), Bình Định (19 ca), Tây Ninh, Thừa Thiên Huế (mỗi địa phương 17 ca), Bình Phước (13 ca), Vĩnh Long (10 ca), Bắc Giang (9 ca), Quảng Nam (8 ca), Đắk Nông (7 ca), Ninh Bình, Quảng Bình (mỗi địa phương 6 ca), Gia Lai, Bạc Liêu (mỗi địa phương 5 ca), Hà Tĩnh, Ninh Thuận (mỗi địa phương 4 ca), Bắc Ninh (2 ca), Thanh Hóa, Hà Nam, Lâm Đồng, Cà Mau (mỗi địa phương 1 ca); trong đó có 6.021 ca trong cộng đồng.
Ngày 23/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đăng ký đưa lên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 thêm 117 ca đã được lấy mẫu từ trước.
Số ca mắc ghi nhận trong nước hôm nay giảm 942 trường hợp so với số ca mắc của ngày hôm qua, riêng Thành phố Hồ Chí Minh tăng 58 ca, Bình Dương giảm 612 ca, Đồng Nai giảm 226 ca, Tiền Giang giảm 250 ca, Long An tăng 23 ca.
Trong ngày 23/8, cả nước có 6.945 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 154.612 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU (hồi sức tích cực) là 711 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO (sử dụng tim phổi nhân tạo) là 26 ca.
Ngày 23/8, Tiểu ban Điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo: Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 389 ca tử vong. Trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh có 340 ca, Bình Dương (34 ca), Long An (6 ca), Đà Nẵng (3 ca), Đồng Nai, Đồng Tháp (mỗi địa phương 2 ca), Cần Thơ, Bà Rịa -Vũng Tàu (mỗi địa phương 1 ca). Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến ngày 23/8 là 8.666 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 358.456 ca mắc, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ về con số tuyệt đối; tính về số ca nhiễm/1 triệu dân thì Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.646 ca nhiễm).
Tại đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 354.355, trong đó có 151.838 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Giãn cách xã hội là yếu tố quyết định để hạn chế tối đa lây nhiễm
Ngày 23/8, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1102/CĐ-TTg "Về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc". Công điện nêu rõ: Giãn cách xã hội là yếu tố quyết định để hạn chế tối đa lây nhiễm dịch bệnh; phải thực hiện nghiêm, thực chất, kịp thời việc cách ly nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, không để “chặt ngoài, lỏng trong”. Phải tranh thủ “thời gian vàng” giãn cách để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, không để dịch bệnh lây lan.
Cần thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.
Điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu. Các địa phương phải chuẩn bị đầy đủ về cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị người bệnh và người nhiễm COVID-19, bảo đảm đủ ô xy y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế cho các cơ sở này. Các xã, phường, thị trấn đang thực hiện tăng cường giãn cách xã hội phải khẩn trương thiết lập các trạm y tế lưu động để bảo đảm hỗ trợ y tế, điều trị người nhiễm COVID-19...
Bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu. Tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội, phải bảo đảm lương thực, thực phẩm, các dịch vụ thiết yếu cho người dân, nhất là người nghèo, người già, phụ nữ và trẻ em, nhóm người yếu thế, người dễ bị tổn thương; huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, hoạt động thiện nguyện, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.
Vaccine, thuốc điều trị là chiến lược. Tiếp tục đẩy mạnh “ngoại giao vaccine” để có sớm nhất, nhiều nhất vaccine. Thúc đẩy mạnh mẽ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhập khẩu vaccine nhưng phải bảo đảm đó là những loại vaccine thuộc danh mục đã được Bộ Y tế cấp phép và rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ. Bộ Y tế chịu trách nhiệm cấp phép nhập khẩu, kiểm định và tổ chức tiêm chủng...
Các địa phương cần chủ động bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất theo phương châm “4 tại chỗ” để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Trung ương, nhất là tại các địa phương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội; uu tiên nguồn lực, tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi chưa cần thiết, các khoản chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, sử dụng tiết kiệm quỹ dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính để tập trung cho phòng, chống dịch; có phương án và sẵn sàng về nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để kịp thời hỗ trợ các địa phương khác khi có yêu cầu.
Ngày 23/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, cùng lãnh đạo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Quận 4 (Thành phố Hồ Chí Minh).
Đặc biệt lưu ý về công tác chăm sóc người dân, nhất là người yếu thế, lang thang cơ nhỡ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lực lượng công an, quân đội phải xử lý triệt để, bố trí nơi ở ổn định cho người lang thang cơ nhỡ để chăm sóc. Trong ngày 23/8, thành phố phải tập trung hết đối tượng lang thang, cơ nhỡ, tổ chức xét nghiệm, giao về đơn vị quân đội chăm sóc, nếu địa bàn nào để lọt thì lãnh đạo địa bàn đó phải chịu trách nhiệm.
Theo Phó Thủ tướng, vào thời điểm này cần kỷ luật thật nghiêm, giữ vững kỷ luật để phục vụ người dân, tuyệt đối không để dịch bệnh kéo dài mãi trong cộng đồng. Người phải cách ly với người, nhà cách ly với nhà, “ai ở đâu ở yên đấy”, muốn vậy thì phải chăm lo 100% cho người dân trên địa bàn, tuyệt đối không để người dân thiếu đói, đứt bữa, chăm sóc đủ dinh dưỡng cho các trường hợp F0, những người đang phải chiến đấu với SARS-CoV-2. Ngoài ra, địa phương phải lo y tế cho người dân, đảm bảo phải có người tiếp nhận, tiếp cận, trợ giúp y tế tối đa theo yêu cầu của người dân và đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Mặt khác việc giãn cách nhằm để dịch không lây lan, tranh thủ xét nghiệm, xét nghiệm an toàn, đẩy mạnh tiêm vaccine.
Các địa phương tích cực hành động để kiểm soát dịch bệnh
Trong ngày đầu Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo cách nghiêm ngặt hơn để phòng, chống COVID-19, lượng phương tiện lưu thông đã giảm 85% so với ngày trước đó. Thông tin này được công bố tại họp báo về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố tổ chức vào chiều 23/8. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự chấp hành nghiêm túc của người dân trong việc thực hiện các biện pháp tăng cường giãn cách xã hội của thành phố.
Trung tâm An sinh xã hội của thành phố và các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện công tác chăm lo an sinh xã hội, hỗ trợ bổ sung đầy đủ cho các đối tượng còn thiếu trong gói hỗ trợ an sinh số 2, thực hiện các biện pháp hỗ trợ chủ nhà trọ (miễn, giảm tiền điện nước); chuẩn bị 2 triệu túi an sinh, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn; chuẩn bị các suất ăn dinh dưỡng cung cấp cho các trường hợp F0 có hoàn cảnh khó khăn.
Trong ngày 23/8 tỉnh Bình Dương ghi nhận 3.183 ca nhiễm SARS-CoV-2, giảm hơn 16% so với số ca mắc của ngày 22/8. Tuy nhiên, số ca mắc mới qua sàng lọc trong cộng đồng chiếm đến 63,6%.
Tại cuộc họp về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg. Đặc biệt, 3 địa phương đang thực hiện “khóa chặt, đông cứng” là thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An và thị xã Tân Uyên. Theo đó, tỉnh yêu cầu lực lượng công an, quân sự phải tăng cường tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ để thực hiện nghiêm việc khóa chặt, không để xảy ra trường hợp “chặt ngoài, trong lỏng”. Trong thời gian này ngành y tế phải tận dụng thời gian thực hiện tốt công tác xét nghiệm, "bóc tách" toàn bộ F0 ra khỏi cộng đồng.
Tỉnh Bình Dương yêu cầu khẩn trương tổ chức các đội lấy mẫu lưu động đến từng khu phố, nhà dân. Sau khi có kết quả khẳng định dương tính, các địa phương nhanh chóng chuyển F0 vào các cơ sở cách ly để điều trị, còn hồ sơ, thủ tục sẽ hoàn thiện sau.
Đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine trong cộng đồng nhằm sớm đạt mục tiêu 90% dân số trên 18 tuổi được tiêm đủ 2 liều vaccine để An Giang đạt miễn dịch cộng đồng cuối năm 2021. Đây là một trong các giải pháp phòng, chống dịch được ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang, đưa ra tại buổi làm việc ngày 23/8 giữa Tỉnh ủy An Giang với các đơn vị, địa phương đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Hiện tổng số vaccine An Giang được Bộ Y tế phân bổ là 192.660 liều, gồm 154.050 liều vaccine AstraZeneca, 5.850 liều vaccine Pfizer và 32.760 liều Moderna. Tỉnh đã triển khai 5 đợt tiêm vaccine đến hết ngày 18/8 được 164.523 liều. Từ ngày 24/8, An Giang tiếp tục triển khai tiêm mũi 1 với 18.500 liều tiêm cho công nhân, số còn lại tiêm mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm xong mũi 1.
Thời gian tới, tỉnh An Giang tiếp tục tăng cường giám sát, lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ tại cộng đồng, khu vực nguy cơ và các cơ sở y tế để phát hiện sớm và khoanh vùng dập dịch.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng lên kế hoạch huy động đội ngũ cán bộ y tế nhất là lực lượng hồi sức cấp cứu, tham gia phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; mở rộng chức năng điều trị F0 tại các cơ sở cách ly tập trung, mỗi huyện lựa chọn khu cách ly tập trung để điều trị F0 từ 100-200 giường; triển khai chiến lược “tháp 3 tầng” trong điều trị COVID-19 dựa trên phân loại mức độ bệnh và nguy cơ của bệnh nhân.
PV