Y tế thông minh: Nhìn từ Thành phố Hồ Chí Minh - Bài 2

Y tế thông minh: Nhìn từ Thành phố Hồ Chí Minh - Bài 2
Bài 2 - tiếp theo và hết: Còn nhiều việc phải làm
 
Công nghệ là chìa khóa
Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, điểm yếu của hệ thống y tế thành phố hiện nay là tình trạng quá tải người bệnh. Ngoài nguyên nhân một phần do cơ sở hạ tầng y tế vẫn còn kém, người bệnh các địa phương khác chuyển tuyến đến khám chữa bệnh ngày càng đông, một nguyên nhân khác đó là quy trình khám chữa bệnh, thủ tục hành chính, giấy tờ còn nhiêu khê phức tạp. Để giải quyết điều này phải nhờ đến công nghệ..
Đăng ký khám bệnh trực tuyến tại Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh bằng thiết bị điện thoại thông minh. Ảnh: Đinh Hằng
Đăng ký khám bệnh trực tuyến tại Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh bằng thiết bị điện thoại thông minh. Ảnh: Đinh Hằng

Chỉ khi ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ hiện đại, chúng ta mới có thể “cởi trói” được các thủ tục hành chính, có khả năng cải thiện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh”, ông Thượng nêu quan điểm.
 
Theo ông Tăng Chí Thượng, nói một cách đơn giản, bệnh viện thông minh là bệnh viện sử dụng các ứng dụng công nghệ trong mọi hoạt động, giúp cho việc quản lý, quy trình khám chữa bệnh trở nên nhanh chóng, tiện lợi, hiệu quả mà đích đến vẫn là hướng đến lấy người bệnh làm trung tâm, tăng sự hài lòng người bệnh, tăng chất lượng dịch vụ.
 
Ứng dụng công nghệ sẽ giúp bệnh viện cải tiến chất lượng phục vụ người bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi. Đồng thời tạo môi trường làm việc thuận lợi, giảm bớt áp lực thủ tục hành chính cho nhân viên y tế để họ chăm sóc, theo dõi người bệnh tốt hơn. Đây cũng là công cụ giúp lãnh đạo các bệnh viện nâng cao chất lượng quản lý của mình.
 
Đồng tình quan điểm này, Bác sỹ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết, thực tế khi ứng dụng công nghệ thông tin việc quản lý bệnh viện trở nên dễ dàng hơn và hiệu quả lớn. Bản thân Giám đốc bệnh viện không cần phải luôn túc trực tại bệnh viện nhưng vẫn có thể theo dõi, nắm tình hình hoạt động và đưa ra các chỉ đạo cần thiết từ xa.

Quan trọng hơn, ứng dụng công nghệ thông tin giúp giảm phiền hà cho người bệnh, mọi hoạt động của nhân viên y tế đều diễn ra công khai, minh bạch trước mắt người dân làm tăng sự hài lòng, tăng niềm tin của bệnh nhân đối với bệnh viện.

Đây chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa thu hút bệnh nhân trong xu hướng các bệnh viện phải tự chủ tài chính, tự đứng vững trên đôi chân của mình”, Bác sỹ Nguyễn Minh Quân chia sẻ.
 
Mới đây, tại buổi làm việc với một số bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu lên yêu cầu cấp thiết các bệnh viện phải cải thiện ngay vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh. Mà đơn giản nhất là bắt đầu từ việc tạo lập hồ sơ bệnh án điện tử.

Tại sao chúng ta phải tốn rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc chỉ để lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy trong 10-15 năm mà không nghĩ đến việc thực hiện bệnh án điện tử tiện lợi hơn rất nhiều? Ứng dụng công nghệ thích ứng với cách mạng 4.0 đang là xu thế và ngành Y tế cần tiên phong thực hiện”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Vẫn còn thách thức
Ứng dụng công nghệ hướng đến y tế thông minh là xu thế tất yếu, tuy nhiên tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, đây vẫn là thách thức không nhỏ. Ở tầm vĩ mô, Tiến sỹ Trần Hùng, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, hành lang pháp lý để ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực y tế vẫn chưa thực sự rõ ràng, đặc biệt là tính riêng tư trong dữ liệu. Cụ thể, trong khi Luật khám chữa bệnh ghi rõ, hồ sơ bệnh án của bệnh nhân phải được bảo mật thì với bệnh án điện tử, điều này khó đảm bảo bởi nguy cơ rò rỉ thông tin rất lớn. Không ai dám chắc những thông tin trên bệnh án điện tử  sẽ không bị xâm nhập, lấy đi và sử dụng vào mục đích khác.
Bác sỹ Bệnh viện Quận Thủ Đức tra cứu lịch sử điều trị của bệnh nhân trên máy tính bảng. Ảnh: Đinh Hằng
Bác sỹ Bệnh viện Quận Thủ Đức tra cứu lịch sử điều trị của bệnh nhân trên máy tính bảng. Ảnh: Đinh Hằng
 
Ngoài ra, trong bối cảnh ngành Y tế Việt Nam vẫn còn khá lạc hậu, khả năng mở rộng nguồn lưu trữ dữ liệu khi ứng dụng công nghệ rất khó, bởi dữ liệu khám chữa bệnh rất lớn, liên tục gia tăng mỗi ngày trong khi hạ tầng, trang thiết bị của các bệnh viện không thể theo kịp.
 
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng nhìn nhận, ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở y tế đã được đẩy mạnh nhưng vẫn chưa đồng bộ. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại các bệnh viện mới chỉ đáp ứng yêu cầu ở mức cơ bản, nhân lực lĩnh vực này cũng còn yếu và thiếu. Quan trọng hơn là một số lãnh đạo bệnh viện vẫn giữ tư duy cũ, không quyết tâm thực hiện “công nghệ hóa” bệnh viện.

Hiện trong gần 100 cơ sở y tế công lập trên địa bàn do Sở Y tế quản lý mới chỉ có Bệnh viện quận Thủ Đức triển khai bệnh án điện tử. Ngoài ra, một số bệnh viện đã ứng dụng một vài phần mềm đơn giản để kiểm soát kê đơn thuốc, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến như Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi đồng 1…
 
Trong khi thế giới đã sử dụng đến trí tuệ nhân tạo trong quản lý khám chữa bệnh, chúng ta vẫn còn loay hoay với ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa. Để thay đổi rất cần sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống y tế thành phố nhằm bắt kịp xu thế nhưng trên hết vẫn là để nâng chất lượng phục vụ người bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh”, ông Tăng Chí Thượng chia sẻ.
 
Theo kế hoạch, trên nền tảng công nghệ thông tin của “Thành phố thông minh” mà UBND Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện xây dựng Kho dữ liệu tập trung của ngành Y tế; trong đó nổi bật là ứng dựng Blockchain trong lập và quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân. Đây dự kiến sẽ là bước đột phá để ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu công nghệ hóa, trở thành nền y tế thông minh./.
                 Đinh Hằng
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm