Trang bị kiến thức và kỹ năng về bình đẳng giới cho trẻ em, thanh thiếu niên tỉnh Bình Phước

Trang bị kiến thức và kỹ năng về bình đẳng giới cho trẻ em, thanh thiếu niên tỉnh Bình Phước

Ngày 6/5, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Phước phối hợp với Trường Trung học Cơ sở Đắk Ơ (xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập) tổ chức ra mắt mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Đây là mô hình điểm do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai thực hiện.

Việc ra mắt mô hình này thực hiện theo Kế hoạch số 64 của Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh về triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022-2025.

Trang bị kiến thức và kỹ năng về bình đẳng giới cho trẻ em, thanh thiếu niên tỉnh Bình Phước ảnh 1Lễ ra mắt mô hình câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Ảnh: K GƯIH -TTXVN

Trong buổi ra mắt, câu lạc bộ gồm có 30 thành viên, độ tuổi từ 12 - 15, thuộc khối lớp 6 đến lớp 9. Các thành viên tham gia tự nguyện và có sự đồng ý của phụ huynh hoặc người giám hộ.

Câu lạc bộ hoạt động dựa trên nguyên tắc tự quản và dân chủ, tính trung thực, sự công khai và tình nguyện.

Theo đó, Câu lạc bộ sẽ tổ chức hoạt động hằng tháng, tập trung vào các nội dung: Kỹ năng làm việc nhóm; giới và giới tính; khuôn mẫu giới và định kiến giới bình đẳng giới; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; tìm kiếm sự trợ giúp khi bị bạo lực; phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống lao động trẻ em; phòng, chống bắt cóc, mua bán trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em; hệ quả xấu của nạn tảo hôn, kết hôn sớm, kết hôn cận huyết...

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Phước Lê Thị Thái Thanh cho biết, mục đích hoạt động của câu lạc bộ nhằm trang bị cho trẻ em, thanh thiếu niên kiến thức, kỹ năng liên quan đến bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em. Mô hình tạo sự thay đổi tích cực về thái độ, nhận thức và hành vi ứng xử trong việc ngăn ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, vấn đề về sức khỏe sinh sản và kết hôn trẻ em. Trẻ em và thanh thiếu niên được tạo điều kiện để trải nghiệm, phát huy sở trường của mình, tham gia hoạt động của câu lạc bộ tại trường học, ở thôn, ấp và xã. Ngoài ra, mô hình còn tạo dựng được mạng lưới có sự hỗ trợ để các bạn trẻ tiên phong trong việc xây dựng cộng đồng an toàn và không bạo lực giới.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm