Vùng cao biên giới Bát Xát, Lào Cai đang bắt đầu vào vụ thu hoạch lê VH6 còn được gọi là lê Tai nung. Liên tiếp nhiều năm trở lại đây, nông dân trồng lê tại địa phương phấn khởi vì sản phẩm được mùa được giá. Bén duyên đất đồi vùng ôn đới Lào Cai chưa lâu song giống lê VH6 đang dần khẳng định vị thế trở thành cây trồng hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao và là sản vật hấp dẫn du khách khi đến với địa phương dịp này.
Trái ngọt giúp dân thoát nghèo
VH6 là giống lê có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc), được nhập trồng khảo nghiệm tại Trại Nghiên cứu và sản xuất rau quả Bắc Hà, thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp Lào Cai từ năm 2002 và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống cây trồng mới năm 2012. Ưu điểm nổi bật của giống lê VH6 là sinh trưởng nhanh, dễ chăm sóc, cây trồng 4 - 5 năm sẽ cho thu hoạch. Quả lê vỏ mỏng, ăn giòn, vị ngon, ngọt thanh mát, ít bị thâm khi bổ ra.
Huyện Bát Xát - vùng đất bao la rộng rãi, nguồn nước phong phú, khí hậu mát mẻ là điều kiện tốt nhất để giống lê VH6 phát triển; trong đó, xã vùng cao Nậm Pung có diện tích cây trồng lớn nhất. Ở đây, lê Tai nung hợp đất, hợp người đã cho những lứa quả ngọt, giúp dân xóa đói, giảm nghèo.
Nậm Pung có 352 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Dao và đồng bào Hà Nhì sinh sống. Sở hữu diện tích đất tự nhiên lớn, nguồn nước dồi dào, khí hậu ôn đới là tiềm năng và lợi thế để địa phương phát triển kinh tế nông nghiệp. Vậy nhưng, trước đây, do nhận thức của người dân còn hạn chế, tập quán canh tác lạc hậu, nên đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là chìa khóa để giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, năm 2009, cây lê VH6 được đưa vào trồng thí điểm tại địa phương với hy vọng là hướng phát triển kinh tế hiệu quả.
Là một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn đưa cây lê vào trồng, anh Tẩn Sài Lù, thôn Kin Chu Phìn 1 cho biết cây lê VH6 phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, cho năng suất cao, kỹ thuật chăm sóc không quá phức tạp.
Được chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn lê của gia đình anh rất sai quả, có cây thu được hơn 50 kg quả. Hiện đầu ra cho sản phẩm lê Tai nung khá thuận lợi, thương lái đến tận vườn nhà anh thu mua với giá từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg. Trung bình mỗi vụ, gia đình anh thu lãi hơn 50 triệu đồng. "Nhờ trồng lê Tai nung, kinh tế gia đình tôi ổn định hơn", anh Tẩn Sài Lù chia sẻ.
Hộ ông Tẩn Sài Lù thôn Kin Chi Phìn I có 200 cây lê với 0,5 ha đang trong chu kỳ kinh doanh. Mỗi năm gia đình thu lãi từ 80-120 triệu đồng. Ông chăm sóc vườn lê theo kỹ thuật được hướng dẫn nên chỉ sau 3 năm cây đã ra quả và đến năm thứ tư thì bắt đầu cho thu hoạch. Chất lượng quả thơm, ngon, nên được thị trường chấp nhận, cung không đủ cầu. Ngoài ra, gia đình ông còn thêm nguồn thu khi mở dịch vụ trải nghiệm khi vào vụ thu hoạch và bán cành hom giống cho các đon vị sản xuất giống. "Giá bán bình quân tại vườn dao động từ 20.000 - 40.000 đồng/kg tuỳ vào kích thước, mẫu mã quả, chất lượng quả", ông Lù cho biết.
Đây là năm thứ 3 vườn nhà ông Phùng Sin Siểu thôn Kin Chu Phìn 1 cho thu hoạch quả. Theo ông Siểu, cây lê dễ trồng, chăm sóc, hàng năm chỉ cần làm cỏ, vun gốc, bón phân 2 - 3 lần. Mặt khác, lê ít bị sâu bệnh nên cũng không mất nhiều công chăm sóc. Do chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên 110 gốc lê của ông phát triển tốt. Ngay từ đầu vụ, nhiều thương lái đến tận vườn thu mua nên gia đình không mất công mang đi bán. Với 80 cây hiện đang cho quả, dự kiến vụ lê năm nay ông thu lãi khoảng 60 triệu đồng.
Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bát Xát, nếu so sánh với các cây trồng khác hiện có trên địa bàn xã thì lê VH6 thực sự là cây mang lại giá trị kinh tế cao, hiệu quả lớn góp phần xoá đói giảm nghèo và giảm nghèo bền vững. Bởi đây là cây trồng 1 năm nhưng thu hoạch rất nhiều năm (sau 3- 5 năm tuỳ điều kiện chăm sóc cây chuyển sang chu kỳ kinh doanh); hàng năm chỉ phải làm cỏ 4 - 5 lần. Lê VH6 nếu vào chu kỳ kinh doanh ổn định sẽ cho thu hoạch trung bình từ 150 - 200 triệu đồng/ha và cao hơn tuỳ điều kiện chăm sóc.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Huyện Bát Xát xác định lê Tai nung là cây trồng thế mạnh, tiềm năng và đang tập trung các nguồn lực để phát triển thành cây sản phẩm hàng hoá riêng của huyện, đồng thời xây dựng thành vùng sản xuất chuyên canh, tập trung ứng dụng công nghệ cao.
Trên địa bàn xã Nậm Pung hiện có hơn 163 ha cây lê với 60 ha cho thu hoạch. Lê VH 6 trên địa bàn xã Nậm Pung đều áp dụng theo tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như sử dụng giống đảm bảo tiêu chuẩn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; sử dụng hệ thống phun thuốc bán tự động; áp dụng đốn tỉa, tủ gốc, bọc quả, vin cành,…
Đặc biệt, xã đã xây dựng được 1 ha mô hình sản xuất cây lê dùng giàn kiên cố để vin cành theo công nghệ của Đài Loan giúp cây lê sinh trưởng khỏe mạnh, đủ ánh sáng nên giảm sâu bệnh hại, thuận tiện chăm sóc, thu hoạch. Với diện tích được đầu tư thâm canh bài bản, sử dụng vin cành bằng giàn kiên cố cho năng suất khá, đặc biệt mẫu mã quả đẹp, chất lượng cao nên có giá trị cao hơn 15-20% so với diện tích không được đầu tư thâm canh. Nhờ ứng dụng mô hình, cây lê 5-7 năm tuổi có thể cho sản lượng 15-16 tấn/ha, giá trị thu được trên 400 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều lần so với trồng ngô, lúa...
Từ các nguồn vốn của ngân sách địa phương cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia lồng ghép với vốn đối ứng của người dân, tính đến tháng 6 năm 2023, toàn huyện Bát Xát đã xây dựng, phát triển được gần 300 ha lê VH6 tập trung trên địa bàn các xã Nậm Pung, Y Tý, Pa Cheo, A Lù, Dền Sáng… với diện tích cho thu hoạch khoảng 130 ha cho sản lượng trung bình 8 tấn - 10 tấn/ha và được tiêu thụ khá thuận lợi.
Hiện, địa phương đã trồng được 90 ha lê tập trung có đầu tư hệ thống tưới tự động, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc… Trong giai đoạn tiếp theo sẽ mở rộng thêm 300 – 500 ha có ứng dụng công nghệ cao.
Để quảng bá cây trồng địa phương, vào ngày 28/6 tới đây, huyện Bát Xát sẽ tổ chức Lễ hội trải nghiệm thu hoạch lê VH6 tại xã Nậm Pung nhằm góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm lê VH6 đạt chuẩn OCOP (chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") đến với đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.
Đây cũng là dịp để những người nông dân là đồng bào dân tộc với người tiêu dùng, doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia gặp gỡ để hợp tác, trao đổi thông tin, chuyển giao khoa học công nghệ mới, công nghệ cao; xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP, phát triển các sản phẩm truyền thống dân tộc; đa dạng hoá sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách; đồng thời, củng cố niềm tin cho bà con người Dao, người Hà Nhì ở Nậm Pung nói riêng và đồng bào các dân tộc vùng cao Bát Xát nói chung về giá trị kinh tế của loại cây xóa đói, giảm nghèo này.
Hương Thu