Trà Vinh sản xuất hiệu quả hơn 8.000 ha rừng - thủy sản

Trà Vinh sản xuất hiệu quả hơn 8.000 ha rừng - thủy sản

Từ nhiều năm nay, hàng nghìn hộ nông dân ở các vùng ven biển trong tỉnh Trà Vinh đã thực hiện và phát triển sản xuất hơn 8.000 ha mô hình rừng - thủy sản đem lại hiệu quả bền vững. Mô hình này không chỉ đem lại thu nhập ổn định mức bình quân khoảng 150 triệu đồng/ha/năm mà còn thúc đẩy nông dân tích cực tự trồng rừng góp phần tăng độ che phủ, tạo sự bền vững hệ sinh thái vùng ngập mặn của tỉnh.

Từ nhiều năm nay, hàng nghìn hộ nông dân ở các vùng ven biển trong tỉnh Trà Vinh đã thực hiện và phát triển sản xuất hơn 8.000 ha mô hình rừng - thủy sản đem lại hiệu quả bền vững. Mô hình này không chỉ đem lại thu nhập ổn định mức bình quân khoảng 150 triệu đồng/ha/năm mà còn thúc đẩy nông dân tích cực tự trồng rừng góp phần tăng độ che phủ, tạo sự bền vững hệ sinh thái vùng ngập mặn của tỉnh.

vna-potal-bao-ve-rung-nguoi-dan-tra-vinh-chung-tay-trong-rung-stand-7256.jpg
Người dân xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh trồng rừng. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN

Ông Huỳnh Văn Tài, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải cho biết, gia đình đã thực hiện mô hình rừng – thủy sản qua 7 năm nay. Với diện tích 4 ha được ông bố trí đào ao và trồng các loại cây rừng như đước, sú, mắm, theo tỷ lệ 40% rừng - 60% mặt nước ao để tạo bóng mát và làm nơi trú ngụ cho tôm cùng các loài thuỷ sản khác.

Với diện tích ao được bố trí, mỗi năm ông thả nuôi khoảng 50.000 con tôm sú giống và 6.000 con cua biển giống. Toàn bộ quá trình nuôi chỉ tốn tiền mua con giống, chi phí thức ăn không đáng kể nên thu nhập mỗi năm khoảng trên 150 triệu đồng. Ngoài ra, trên diện tích đất trồng rừng, ông còn thả nuôi thêm vọp, sò huyết cho thêm thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm.

Ông Lê Văn Lắm, ở xã Đông Hải, huyện Duyên Hải cũng có 4 ha thực hiện mô hình rừng - thủy sản nuôi kết hợp tôm sú, tôm thẻ, cua biển và cá đối, cá bóng cát,... Với diện tích ao nuôi này, mỗi năm, ông Lắm thả nuôi 45.000 con tôm giống, 10.000 con cua biển, riêng cá giống được thu như từ nguồn tự nhiên. Nhờ sản phẩm tôm, cua, cá nuôi trong môi trường sinh thái, giá bán cao hơn 15 – 20 % so với thủy sản nuôi công nghiệp, gia đình ông Lắm thu lợi nhuận ròng mỗi năm từ 150 – 170 triệu đồng.

Ông Lắm cho biết, do điều kiện đất sản xuất có nhiều con rạch chia cắt, nguồn vốn gia đình có hạn không đủ để đầu tư thực hiện mô hình nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao nên ông chuyển sang lên bờ bao và trồng cây đước để sản xuất mô hình rừng – thủy sản. Nhờ có cây rừng ven ao tạo bóng mát làm nơi trú ẩn trước thời tiết nắng nóng, các loại thủy sản sinh trưởng tốt, không dịch bệnh.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh luôn khuyến khích nông dân ở các vùng ven biển trong tỉnh nhân rộng mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản để ứng phó với tác động xấu của biến đổi khí hậu, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế vừa tạo sự bền vững hệ sinh thái. Tỉnh đã quy hoạch hơn 23.980 ha đất vùng ven biển để bố trí phát triển diện tích rừng khoảng 12.250 ha, diện tích còn lại gần 11.730 bố trí dành cho nuôi trồng thủy sản.

Tỉnh đang thực hiện chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân trồng rừng để phát triển diện tích sản xuất rừng – thủy sản. Hộ nông dân và các tổ chức khi trồng rừng (cây đước) trên đất thuộc quyền sở hữu hợp pháp theo các quy định của pháp luật hiện hành đạt diện tích từ 0,3 ha trở lên sẽ được tỉnh hỗ trợ 50% tiền mua cây giống, nhưng không quá 37 triệu đồng/ha. Chính sách của tỉnh nhằm góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, vừa tạo sinh kế bền vững cho hộ dân vùng ven biển.

Phúc Sơn

Có thể bạn quan tâm