![]() |
Nông dân xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần thu hoạch lúa. Ảnh: Thanh Hoà - TTXVN |
Mô hình được Công ty cổ phần Rynan Smart Fertili Zers thuê đất của nông dân với diện tích diện tích gần 14 ha trồng giống lúa Đài Thơm 8. Phương pháp trồng lúa được sử dụng là gieo mạ và cấy bằng máy có các chức năng phun thuốc diệt cỏ, diệt ốc và bón phân thông minh chỉ một lần vào gốc lúa từ khi cấy đến khi thu hoạch. Ngoài việc sử dụng phân bón thông minh, ruộng lúa còn sử dụng hệ thống bơm tát tự động, quản lý và điều chỉnh mực nước qua hệ thống máy bơm có gắn bo mạch kết nối với điện thoại di động điều khiển từ xa, không cần người phải trực tiếp có mặt trên đồng ruộng.
Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Rynan Smart Fertili Zers cho biết, phân bón thông minh được tráng phủ một lớp polymer công nghệ cao thân thiện môi trường, giảm lượng khí thải nhà kính hơn 60%. Sau khi nước thẩm thấu qua màng phủ vào bên trong, các khoáng chất như: N, P, K, Cu, Mn, Fe, Zn... hòa tan từ từ. Tùy theo loại cây trồng, phân bón thông minh được sản xuất có thời gian phân tán hết khoáng chất từ 1-12 tháng hoặc lâu hơn cho cây trồng từ lúc gieo hạt đến thu hoạch. Do đó, phân bón thông minh chỉ cần bón một lần, với lượng phân ít hơn các phân thông dụng từ 40-60% nhưng năng suất cây trồng tăng hơn 10%.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh có chủ trương cho Ban Chỉ đạo Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh (AMD Trà Vinh) tài trợ hơn 1,6 tỷ đồng để cùng với Công ty Cổ phần Rynan Smart Fertili Zers thực hiện tiểu dự án sản xuất 200 ha lúa theo quy trình sản xuất thông minh tại huyện Tiểu Cần, với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ đồng. Ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với Công ty Cổ phần Rynan Smart Fertili Zers, UBND huyện Tiểu Cần mắt triển khai nhân rộng mô hình tại xã Phú Cần, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện trong vụ Hè Thu và những vụ lúa tiếp theo.