Sử dụng máy cấy sạ hàng tại mô hình thí điểm. Ảnh: Duy Khương – TTXVN |
Mô hình được thực hiện với diện tích 12ha, có 12 hộ nông dân tham gia, được canh tác bằng máy cấy sạ hàng và bón phân thông minh. Và trong thời gian tới, mô hình sẽ thực hiện thêm các hạng mục như: gắn thiết bị thông minh đo mực nước trên mặt ruộng, hệ thống điều khiển bơm nước tự động,… Việc sử dụng phân bón thông minh trong canh tác lúa thông minh là loại phân bón thông minh giảm thất thoát. Loại phân bón này được cấu tạo từ 5 thành phần là dưỡng chất cho cây, chất điều hòa tăng trưởng, dưỡng chất cho vi sinh, bào tử và vi sinh cùng vỏ Nano polymer. Loại phân bòn này chỉ bón một lần trong suốt vụ lúa và sẽ tan từ từ theo sinh trưởng của lúa. Theo đó sẽ giảm được 40% lượng phân đạm, giảm 75% công bón phân, giảm 40% phát thải khí nhà kính khi kết hợp với canh tác ngập xen kẻ. Theo tính toán, mô hình canh tác lúa thông minh giảm được trên 30% lượng nước tưới; giảm công, giảm giống, giảm sâu bệnh mỗi thứ trên 50%; giảm lượng phân bón, giảm khí nhà kính mỗi thứ trên 40%; cũng như giảm tác động do xâm nhập mặn; đồng thời tăng lợi nhuận gần 20% so canh tác lúa thông thường. Ông Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch UBND xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy cho biết, mô hình canh tác lúa thông minh được thực hiển tại ấp 9 là mô hình điểm đầu tiên của huyện. Địa phương đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, thực hiện và theo dõi sát sao mô hình canh tác lúa này. Từ nay đến cuối vụ, đơn vị sẽ có báo cáo hiệu quả, tính khả thi và thực hiện nhân rông ra nhiều mô hình trên địa bàn. Còn theo ông Phan Văn Bình, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Vị Thủy, mô hình canh tác lúa thông minh được triển khai tại ấp 9, xã Vị Thắng sẽ góp phần bảo vệ môi trường, vì giảm được lượng phân bón Urê đáng kể trên ruộng lúa vì chỉ bón phân thông mình một lần khi gieo sạ lúa. Đồng thời, các chi phí thuốc bảo vệ thực vật khác cũng sẽ giảm đáng kể do việc tăng trưởng cây lúa sẽ được tự nhiên hơn. Với kỳ vọng một Hậu Giang xanh, tỉnh này đang có những động thái ban đầu nhằm thực hiện chuyển đổi từ một nền nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ. Nhất là trong sản xuất lúa, Hậu Giang đang nỗ lực thực hiện các giải pháp canh tác thông minh. Cụ thể, gần đây, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh đã giao các địa phương chọn xây dựng một mô hình canh tác lúa thông minh, nếu thành công sẽ nhân rộng trên toàn tỉnh. Hậu Giang là một tỉnh thuần nông có trên 80% dân số làm nông nghiệp và trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu; trong đó, thế mạnh của tỉnh là cây lúa, thủy sản và cây ăn trái. Tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, nếu cứ thực hiện sản xuất nông nghiệp theo tập quán cũ sẽ không đạt mục tiêu đề ra. Do đó, Hậu Giang đang tận dụng mọi nguồn lực, cơ hội nhằm áp dụng những tiến bộ của cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 vào sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Phạm Duy Khương