Trà Vinh mở rộng diện tích dừa hữu cơ tạo thu nhập bền vững

Người dân xuất bán dừa khô nguyên liệu sau thu hoạch. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN
Người dân xuất bán dừa khô nguyên liệu sau thu hoạch. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang khuyến khích nông dân mở rộng diện tích dừa hữu cơ tạo sản phẩm sạch, liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho trái dừa, nâng cao thu nhập bền vững.

Trà Vinh mở rộng diện tích dừa hữu cơ tạo thu nhập bền vững ảnh 1Người dân xuất bán dừa khô nguyên liệu sau thu hoạch. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Theo ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, toàn tỉnh hiện có tổng diện tích vườn dừa hơn 23.600 ha; trong đó, diện tích dừa cho trái khoảng 20.200 ha với sản lượng trên 300.000 tấn/năm (khoảng 250 triệu trái/năm).

Từ năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh triển khai chương trình hỗ trợ nông dân liên kết cùng doanh nghiệp trồng dừa hữu cơ tạo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập bền vững cho người trồng. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích vườn dừa đạt trên 25.000ha và đến 2030 đạt khoảng 30.000 ha; trong đó có 5.000 ha dừa hữu cơ được bố trí trồng tại các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú, thành phố Trà Vinh.

Đáng chú ý, đến cuối năm 2021, nông dân Trà Vinh đã liên kết cùng một số danh nghiệp trồng gần 1.300 ha dừa hữu cơ đảm bảo về đầu ra và giá cả ổn định ở mức cao. Nhiều danh nghiệp như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) đánh giá chứng nhận dừa hữu cơ với diện tích 763 ha tại xã Đại Phước và xã Đại Phúc, huyện Càng Long đạt tiêu chuẩn Âu - EU, Mỹ - USDA; Công ty cổ phần Chế biến dừa Á Châu (Bến Tre) đánh giá chứng nhận hữu cơ đạt tiêu chuẩn châu Âu - EU, Mỹ-USDA với diện tích 221 ha, tại xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần; Công ty cổ phần Trà Bắc chứng nhận vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt tiêu chuẩn châu Âu - EU, Mỹ - USDA với diện tích 310 ha tại xã Phú Cần, Hùng Hòa, Ngãi Hùng của huyện Tiểu Cần.

Hiện 2 đơn vị là Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre) đang xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ với diện tích 50 ha tại xã Long Đức, thành phố Trà Vinh và Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong (Bến Tre) đang xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ khoảng 500 ha tại xã Lương Hòa, huyện Châu Thành.

Ông Nguyễn Văn Chính, một hộ trồng dừa hữu cơ ở xã Tân Hòa cho biết, gia đình thực hiện 0,8 ha vườn dừa hữu cơ với phương thức chăm sóc như: nền đất được xử lý bằng phân hữu cơ vi sinh, không sử dụng phân hóa học; vườn dừa không gần chuồng trại chăn nuôi, giúp giảm khoảng 55% chi phí so cách trồng truyền thống. Sản phẩm dừa trái hữu cơ được các cơ sở, doanh nghiệp liên kết thu mua với giá tăng từ 10% so với dừa trái được trồng bình thường. Giá trái dừa khô hữu cơ từ năm 2021 đến nay được các doanh nghiệp thu mua ổn định với mức từ 78.000 – 90.000 đồng/chục (12 trái).

Ông Huỳnh Khắc Nhu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Trà Bắc (Trabaco) cho biết, mục tiêu hàng đầu của doanh ngiệp là không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm nên doanh nghiệp ưu tiên cho nguồn nguyên liệu sạch, thực hiện liên kết cùng hộ nông dân để mở rộng diện tích dừa hữu cơ.

Bình quân nhu cầu về nguồn nguyên liệu trái dừa khô trái của Công ty cổ phần Trà Bắc khoảng 500 tấn dừa trái/tháng để sản xuất, chế biến than hoạt tính và các sản phẩm như xơ dừa, thảm xơ dừa, cơm dừa sấy khô, nước cốt dừa cấp đông… xuất khẩu. Do nguyên liệu tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không đủ cho hoạt động sản xuất, nên Trabaco phải mua nhập dừa trái từ Indonesia từ năm 2020 đến nay với số lượng hơn 500 tấn/tháng.

Phúc Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm