Trà VInh hỗ trợ thành lập mới, phát triển kinh tế hợp tác xã

Trà VInh hỗ trợ thành lập mới, phát triển kinh tế hợp tác xã

Nhằm thực hiện Chương trình hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tỉnh Trà Vinh đã chủ động xây dựng kế hoạch huy động nhiều nguồn lực từ ngân sách trung ương, địa phương, nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn tài trợ… để hỗ trợ thành lập mới, củng cố tổ chức kinh tế tập thể, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã.

Trà VInh hỗ trợ thành lập mới, phát triển kinh tế hợp tác xã ảnh 1Ao tôm của Hợp tác xã nuôi tôm mật độ cao Giồng Trôm, Thị xã Duyên Hải. Ảnh: lmhtx.travinh.gov.vn

Theo kế hoạch, tỉnh sẽ nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực kinh tế tập thể thông qua việc hỗ trợ học phí, tài liệu, chi phí ăn ở… cho thành viên, người lao động của tổ chức kinh tế tập thể tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, hỗ trợ học phí cho công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị- xã hội tham gia các lớp đào tạo về lĩnh vực phát triển kinh tế tập thể.

Tỉnh cũng hỗ trợ trả lương cho người lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể, với mức hỗ trợ hàng tháng ít nhất bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng, trong thời gian tối đa 3 năm/người và 2 người/tổ chức kinh tế tập thể/năm.

Đối với các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động trên tất cả ngành, lĩnh vực tại địa bàn tỉnh có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị thực hành sản xuất xanh, Chương trình Mỗi xã một sản phâm (OCOP) sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, xây dựng và tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử. Bên cạnh đó, hỗ trợ 100% kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm trong nước; kinh phí thuê địa điểm và vận hành một số điểm giới thiệu, bán sản phẩm cho các tổ chức kinh tế tập thể.

Ngoài ra, các hợp tác xã còn được hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm với mức hỗ trợ tối đa lên đến 3 tỷ đồng đối với hợp tác xã có từ 50 thành viên trở lên và không quá 2 tỷ đồng đối với hợp tác xã có từ 49 thành viên trở xuống.

Bà Lê Thu Nhạn, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 2.000 tổ hợp tác, 188 hợp tác xã, 1 liên hiệp hợp tác xã. Tuy nhiên, nhiều tổ hợp tác và hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu do quy mô các tổ hợp tác và hợp tác xã này nhỏ, mức vốn bình quân thấp, thiếu năng lực sản xuất. Cùng với đó, chưa xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, thiếu liên kết giữa các hợp tác xã, và giữa hợp tác xã với doanh nghiệp…. Về sản phẩm, chất lượng còn thấp, chưa có sự cạnh tranh trên thị trường.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tích cực thực hiện các giải pháp tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với nông dân, sản xuất theo chuỗi để tăng mạnh lượng nông sản tiêu thụ qua hợp đồng. 

Tỉnh Trà Vinh phấn đấu đến năm 2025 phát triển thêm 250 tổ hợp tác, 50 hợp tác xã và 1 - 2 liên hiệp hợp xã; 100% hợp tác xã hoạt động đúng Luật Hợp tác xã năm 2012. Đồng thời, đưa tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng từ 5 - 10% hiện nay lên từ 20 - 30% vào năm 2025.

Thanh Hòa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm