Tỉnh Trà Vinh đề ra chỉ tiêu đưa giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2021 đạt trên 28.150 tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm 2020. Mục tiêu của tỉnh là phát triển mạnh mẽ các mô hình sản xuất tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh ưu tiên đầu tư cho 2 lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh là trồng trọt và nuôi trồng thủy sản để tăng cao giá trị sản xuất.
Đa dạng cây trồng
Tỉnh Trà Vinh có nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, dù đặt mục tiêu trọng tâm cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại và dịch vụ, nhưng 5 - 10 năm tới, tỉnh vẫn ưu tiên cho nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, đóng góp phần lớn vào tăng trưởng kinh tế (GRDP).
Thực tế 5 năm qua, tỉnh Trà Vinh đã đầu tư mạnh mẽ để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo kế hoạch chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang những cây trồng, Có nhiều mô hình chuyển đổi ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến cho thu nhập từ 100 – 500 triệu đồng/ha/năm, tạo sự phấn khởi, tự tin cho nông dân và thúc đẩy phong trào chuyển đổi cây trồng lớn mạnh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền cho biết, năm 2020, hàng hộ nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi đất trồng lúa và đất trồng mía kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác và kết hợp hoặc chuyên nuôi thủy sản được hơn 3.560 ha; cải tạo vườn tạp, đất giồng tạp gần 245 ha, nâng tổng diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả được chuyển đổi sản xuất đến nay gần 19.800 ha. Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 60 – 300 triệu đồng/ha/năm (gấp 3 – 5 lần) so trồng lúa.
Trà Cú là nơi có vùng mía nguyên liệu lớn nhất tỉnh, với diện tích hơn 5.000 ha. Liên tiếp 5 vụ trồng mía đã qua nông dân đều bị thua lỗ trắng tay vì giá mía giảm thấp. Ở niên vụ trồng mía 2020 – 2021 toàn huyện chỉ còn lại diện tích 1.435 ha, chủ yếu là diện tích mía lưu gốc. Không để bỏ hoang đất sản xuất, UBND huyện Trà Cú đã chỉ đạo xây dựng những mô hình sản xuất phù hợp để giúp nông dân có thu nhập.
Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết, với sự hướng dẫn chặt chẽ về kỹ thuật, hiện nông dân đã chuyển đổi thành công hơn 1.150 ha đất trồng mía sang trồng rau màu, cho thu nhập từ 150 – 200 triệu đồng/ha/năm và hơn 250 ha nuôi tôm thẻ chân trắng cho thu nhập từ 300 – 400 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, còn có nhiều hộ trồng dừa kết hợp nuôi tôm thẻ chân trắng hoặc tôm càng xanh để lấy ngắn nuôi dài, cho thu nhập từ nguồn tôm nuôi 100 – 150 triệu đồng/ha/năm.
Điển hình là ông Dương Văn Còi, ấp xoài Lơ, xã Lưu Nghiệp Anh. Năm 2019, ông đào ao lên liếp hơn 0,4 ha đất mía để trồng dừa. Mô hình trồng dừa được thiết kế hệ thống cống cấp và thoát nước đảm bảo mực nước trong mương từ 1,2 – 1,5 m để nuôi tôm thẻ chân trắng. Vụ nuôi tôm đầu tiên ông thu hoạch được hơn 1,5 tấn tôm thương phẩm, bán với giá 110.000 đồng/kg, thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Theo ông Còi, việc nuôi tôm thẻ được bố trí 2 vụ/năm và mô hình sản xuất này đảm bảo hiệu quả trong 3 năm khi dừa cho trái.
Ở nhiều địa phương trong tỉnh Trà Vinh như: Cầu Kè, Cầu Ngang, Châu Thành, nhiều diện tích đất gò cao, bị mặn xâm nhập mùa khô được nông dân chuyển đổi sang trồng một số cây ngắn ngày, rau màu bỏ hẳn cây lúa hoặc bố trí 1 vụ lúa – 2 vụ màu cho thu nhập cao. Cụ thể, tại huyện Cầu Kè, nông dân được khuyến khích chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng gấc, dừa sáp, cam sành…
Mô hình trồng gấc, được Dự án thích ứng biến đổi vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh hỗ trợ cho 100 hộ thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Việt Thành (huyện Cầu Kè), trồng 20 ha. Hợp tác xã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thu mua trái gấc theo giá thị trường, nhưng không dưới 6.000 đồng/kg.
Ông Thạch Ngọc Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Việt Thành phấn khởi nói, một ha đất có thể trồng từ 320 – 400 cây gấc. Với giá gấc bình quân 13.000 đồng/kg như hiện tại, nông dân trồng gấc đạt lợi nhuận gần 200 triệu đồng.
Đẩy mạnh khoa học công nghệ
Năm 2021, phát huy những lợi thế, kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất mới, tỉnh Trà Vinh đang tập trung đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ nông dân học tập ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp nông dân tăng thu nhập.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp xây dựng kế hoạch cùng những giải pháp đồng bộ để phát triển sản xuất từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Tỉnh đặt mục tiêu năm 2021, đạt sản lượng lúa 1,08 triệu tấn; cây trồng các loại đạt sản lượng 1,32 triệu tấn; cây ăn trái 262.000 tấn. Về chăn nuôi đàn lợn đạt 220.000 con; đàn trâu, bò 220.000 con; đàn gia cầm 7,5 triệu con, với tổng sản lượng thịt hơi các loại 75.000 tấn. Riêng nuôi trồng thuỷ sản cả 3 vùng nước mặn, ngọt, lợ đạt tổng sản lượng 158.200 tấn.
Yêu cầu được UBND tỉnh Trà Vinh đặt ra cho ngành nông nghiệp là ưu tiên hỗ trợ cho nông dân thực hành các mô hình sản xuất sạch, thích ứng biến đổi khí hậu, sản phẩm đáp ứng được yêu cầu thị trường xuất khẩu.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Minh Truyền cho biết, kế hoạch thực hiện nâng cao giá trị kinh tế tế nông nghiệp năm 2021 và những năm tiếp theo đang được ngành triển khai. Cụ thể, ngành đã phân định các tiểu vùng để bố trí sản xuất, như: ngọt hóa, ngọt, mặn để khuyến khích nông dân bố trí cây trồng, con nuôi và lịch thời vụ thích hợp ứng phó với hạn, mặn.
Trong các tiểu vùng sản xuất, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển vùng mặn thuộc các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải. Đây là vùng có lợi thế hệ sinh thái rừng ngập mặn để sản xuất kết hợp nuôi thủy sản đa dạng mô hình, như: lúa- tôm - cua, rừng - tôm - cua. Đặc biệt, vùng sản xuất này, tỉnh sẽ qui hoạch bố trí vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh ứng dụng công nghệ cao; nuôi thủy sản ven biển, lồng bè…
Ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các dự án chế biến nông sản, thủy sản là giải pháp song song được tỉnh ưu tiên thực hiện. Hiện tỉnh đề nghị Trung ương xem xét hỗ trợ hơn 3.420 tỷ đồng để thực hiện các công trình thuỷ lợi trọng yếu khắc phục hạn hán, trữ ngọt, gồm: 5 công trình thuỷ lợi điều tiết nước phục vụ sản xuất; 4 công trình thuỷ lợi khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn; đầu tư xây dựng 02 hồ trữ nước ngọt.
Về các dự án sản xuất chế biến, tỉnh đang mời gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ chế biến, như: dự án nuôi tôm nước lợ công nghệ cao, quy mô từ 100 – 200ha; dự án hợp tác liên kết nuôi tôm sinh thái (tôm – rừng, tôm – lúa) xuất khẩu, quy mô từ 800 – 1.000 ha; dự án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dừa, quy mô từ 20.000 – 30.000 ha; dự án nhà máy sơ chế, chế biến trái cây các loại, quy mô từ 30.000 – 40.000 tấn/năm; dự án nhà máy chế biến các sản phẩm từ đậu phộng, quy mô từ 3.000 – 5.000 tấn/năm.
Phúc Sơn