Trà Vinh hỗ trợ cho thực hành sản xuất nông nghiệp tốt

Tỉnh Trà Vinh đang tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, đơn vị, hộ nông dân trong tỉnh thực hiện các mô hình sản xuất tốt về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản, theo Nghị quyết số 09/2024/NQ – HĐND của HĐND tỉnh ban hành tại kỳ họp thứ 15.

vna_potal_tra_vinh_co_gan_28000ha_dien_tich_trong_dua_7268341.jpg
Diện tích trồng dừa tại xã Lương Hòa (Châu Thành, Trà Vinh). Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Theo đó, các đơn vị sản xuất, hộ nông dân khi thực hiện các mô hình sản xuất đảm bảo được các tiêu chí, như: nằm trong kế hoạch phát triển sản xuất của UBND cấp xã, huyện; sản phẩm có đăng ký áp dụng VietGAP theo mẫu quy định; có hợp đồng, phương án tiêu thụ sản phẩm; có giấy chứng nhận VietGAP sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi của tỉnh.

Cụ thể về trồng trọt, tỉnh hỗ trợ cho năm đầu 50% chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và 30% cho năm thứ 2 đối với cây ăn quả và cây dừa; hỗ trợ 50%chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho một vụ trồng mới đối với sản phẩm trồng trọt khác; hỗ trợ 50% kinh phí mua máy bơm tát và thiết bị cảm biến nhưng không quá 100 triệu đồng/cơ sở. Đối với trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính theo phương pháp tưới ngập - khô xen kẽ được tỉnh hỗ trợ 50% tiền mua phấn bón thông minh, nhưng không quá 5 triệu đồng/ha.

Về lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng kho chứa nguyên liệu và thức ăn, kho chức dụng cụ chăn nuôi, máy móc thiết bị, hệ thống cấp thoát nước và xử lý chất thải. Tổng kinh phí hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/cơ sở đối với nuôi heo, bò; không quá 100 triệu đồng/cơ sở đối với nuôi dê và không quá 50 triệu đồng đối với cơ sở nuôi gà, vịt.

Ở lĩnh vực thủy sản, tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí cải tạo ao nuôi, trang thiết bị máy móc, hệ thống cấp thoát nước và xử lý chất thải. Tổng kinh phí hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú, tôm càng xanh, cá tra và không quá 120 triệu đồng/cơ sở đối với nuôi cua biển, nuôi nghêu. Riêng đối nuôi tôm thâm canh mật độ cao được tỉnh hỗ trợ thêm 50% kinh phí đầu tư hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường và 30% kinh phí đầu tư hệ thống điều khiển máy cho tôm ăn tự động, tổng kinh phí không quá 100 triệu đồng/cơ sở.

Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có gần 29.760 ha thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, như: sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động, công nghệ nhà lưới và thủy canh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, đạt chứng nhận ASC, nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao…Các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ đều đem lại năng suất, chất lượng sản phẩm vượt trội, hiệu quả kinh tế cho các tập thể, hộ nông dân cao hơn từ 3 - 10 lần so với phương thức sản xuất thông thường.

Đối với cây lúa qua ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao đã cho năng suất bình quân đạt 6,5 tấn/ha, cao hơn 01 tấn so với phương thức trồng lúa truyền thống. Về trồng rau màu được sử dụng công nghệ nhà lưới, kết hợp tưới phun cho sản phẩm đạt chuẩn VietGAP làm tăng giá trị cung ứng từ 10 - 15%. Đối với nuôi trồng thủy sản, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao trong ao nổi lót bạt cho sản lượng bình quân 40 - 50 tấn /ha/vụ, cao gấp 5 - 7 lần so với nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh bình thường.

Từ nay đến năm 2025, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung hoàn thành kế hoạch hỗ trợ hộ nông dân thực hiện khoảng 10.000 ha sản xuất an toàn; hỗ trợ cho khoảng 1,25 triệu hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học; hỗ trợ cho 100 tổ hợp tác, hợp tác xã cơ sở sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Các mô hình sản xuất đều khuyến khích nông dân ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ, như: sử dụng phân bón thông minh (Nano); hệ thống quan trắc - điện toán đám mây; hệ thống tưới tự động, bẫy côn trùng thông minh và dự báo sâu bệnh; sử dụng cây giống sạch bệnh, nuôi cấy mô, cây phôi; sử dụng công nghệ nhà lưới, thủy canh đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,…

Tỉnh đặt mục tiêu nâng giá trị sản xuất đất trồng trọt tăng thêm 15 triệu đồng/ha vào năm 2025, đạt mức bình quân 155 triệu đồng/ha và đến năm 2030, giá trị sản xuất bình quân đất trồng trọt đạt 160 triệu đồng/ha. Riêng năm 2024, mục tiêu ngành nông nghiệp tỉnh hướng đến là đưa giá trị sản xuất đạt khoảng 32.245 tỷ đồng, tăng gần 1.200 tỷ đồng so năm 2023.

Phúc Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm