Tìm thấy dấu vết khủng long kỷ Jura ở Tây Nam Trung Quốc

Tìm thấy dấu vết khủng long kỷ Jura ở Tây Nam Trung Quốc

Các hóa thạch có hình giống dấu chân gà, được người dân phát hiện hồi năm 2019 tại một khu rừng ở thành phố Trùng Khánh, Tây Nam Trung Quốc đã được xác định là dấu chân khủng long từ 190 triệu năm trước.

Tháng 3/2019, một người leo núi đã tình cờ phát hiện những dấu chân này tại Công viên Rừng Quốc gia Ca Lạc Sơn (Geleshan), cách trung tâm thành phố Trùng Khánh 16 km. Sau khi tìm hiểu, các nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học địa chất Trung Quốc tại Bắc Kinh cùng các nhà nghiên cứu thuộc các cơ quan địa chất địa phương đã xác định những dấu chân khủng long này là Kayentapus - thường được tạo ra bởi các loài khủng long ăn thịt cỡ vừa và lớn trong khoảng thời gian đầu của kỷ Jura.

Theo các nhà khoa học, có tổng cộng 46 dấu chân khủng long được phát hiện. Điều này cho thấy những con vật tạo ra dấu chân này đang chạy với tốc độ cao.

Các nhà khoa học Trung Quốc cũng cho biết dấu chân Kayentapus phân bố khắp thế giới. Tại Bắc Mỹ, các dấu chân này được hình thành từ loài khủng long Dilophosaurus - một trong những loài khủng long ăn thịt lớn đầu tiên trong thời kỳ đầu của kỷ Jura và cũng là loài khủng long nổi tiếng từng xuất hiện trong các bộ phim của Hollywood. Tại Tây Nam Trung Quốc, con vật tạo nên những dấu chân nói trên có thể là loài khủng long từ kỷ Jura, có chiều dài cơ thể khoảng 5,6 m và nặng tới 500 kg. Đây là loài khủng long lớn và hung dữ ở thời điểm đó.

Các nhà khoa học Trung Quốc khẳng định phát hiện này đã bổ sung thêm bằng chứng tồn tại của Kayentapus ở Trung Quốc và châu Á, có thể giúp con người hiểu thêm về sự phân bố và tiến hóa của khủng long trong thời kỳ đầu của kỷ Jura.

Phát hiện trên đã được công bố vào cuối tháng 5 trên Journal of Historical Biology của Anh.

Minh Tuấn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm